Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR - Bộ Giao thông Vật tải), vụ sập cầu Ghềnh đường sắt hồi tháng 3/2016 đã thực sự gióng hồi chuông báo động tới cả xã hội về tình trạng xuống cấp của hệ thống cầu đường sắt. Theo thống kê, trên toàn tuyến đường sắt quốc gia hiện có 1.920 cầu đường sắt; trong đó, phần lớn cầu đã qua thời gian sử dụng dài. Đã có khoảng 1.000 cầu được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn để đảm bảo an toàn công trình cầu đường, nâng cao năng lực vận tải và tốc độ chạy tàu. Tuy nhiên, vẫn còn 180 cầu yếu, xuống cấp, tải trọng thấp, phải sữa chữa gấp.
Qua tìm hiểu, các cầu yếu đã xuống cấp nghiêm trọng hiện nay gồm có Cầu Đuống, Cầu Hồ trên Sông Đuống; cầu Bắc Giang trên Sông Thương; cầu Ninh Bình trên Sông Đáy; cầu Quay trên sông Lạch Tray; cầu Triều Dương trên Sông Luộc; cầu Đò Lèn trên Sông Lèn; cầu Hàm Rồng trên Sông Mã; cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn; cầu Long An trên kênh Tháp Mười số 1... Nhiều cầu trong số này có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, vì đều có tuổi thọ trên dưới 100 năm. Một số cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc đến nay đã bị xói lở mố, trụ cầu, dễ dẫn đến bị phá kết cấu cầu.
Trụ cầu Đuống bắc qua sông Đuống (Hà Nội) đang bị hư hại nghiêm trọng. Ảnh: Tiến Hiếu |
Phó Tổng giám đốc VNR Đoàn Duy Hoạch cho hay: Trong số 180 cầu yếu đường sắt cần sửa chữa gấp hiện mới chỉ có 86 cây cầu được đưa vào danh sách các dự án sửa chữa, cải tạo... Thực tế này ảnh hưởng lớn đến công tác khai thác kinh doanh vận tải của VNR. Lý do là các tàu khi đi qua hệ thống cầu yếu thường không đảm bảo tốc độ khai thác, giảm tải trọng đoàn tàu...
Theo ông Tạ Quang Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Đường sắt Hà Hải, đơn vị đang quản lý nhiều cầu đường sắt yếu, các cầu này không đảm bảo khoang thông thuyền nên nguy cơ mất an toàn giao thông là rất lớn.
Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Thọ cũng cho biết, hiện nhiều cầu đường sắt không bảo đảm kích thước khoang thông thuyền theo phân cấp kỹ thuật. Một số cầu mố trụ nằm vào luồng chạy tàu, nhiều vị trí cầu dòng chảy xoáy, xiên, nguy hiểm. Các cầu này gây cản trở, khó khăn cho vận tải thủy nội địa, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy. Vì vậy, về lâu dài cần đầu tư cải tạo, xây mới thay thế các cầu cũ có khẩu độ khoang thông thuyền và tĩnh không không đảm bảo. Đặc biệt, cần có ngay phương án thay thế hoặc cải tạo các cầu Long Biên, Đuống (Hà Nội), cầu Quay (Hải Phòng)... vì các cầu này không chỉ không đảm bảo khoang thông thuyền, mà các trụ chống đâm va đã hỏng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có gói tín dụng để đầu tư cầu yếu từ nay đến 2020 là kết thúc cầu yếu, ưu tiên trước mắt là cầu của ngành đường sắt, cầu có trụ yếu và tĩnh không không đảm bảo. |
Để bảo đảm an toàn giao thông và hiệu quả hoạt động của ngành đường sắt, các cầu yếu phải được thường xuyên duy tu hoặc thay thế. Theo ông Đoàn Duy Hoạch, để đảm bảo an toàn giao thông, ngành giao thông vận tải cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư sửa chữa 86 cầu yếu đã có trong các dự án, trong đó đặc biệt ưu tiên triển khai thi công 44 cầu thuộc dự án Cải tạo nâng cấp tải trọng các cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và sớm triển khai thi công 41 cầu thuộc dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2. Đối với 32 cầu yếu thuộc khu đoạn Đà Nẵng - Sài Gòn cũng cần được nâng cấp để đồng nhất tải trọng trên toàn tuyến.
Tuy nhiên, theo ngành giao thông vận tải, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên chỉ đáp ứng khoảng 40% yêu cầu thực tế nên việc sửa chữa và nâng cấp hệ thống cầu yếu vẫn là nỗi lo thường trực.
Trước thực tế trên, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, trong khi đang chờ nguồn vốn huy động đầu tư thay thế hết các cầu yếu, liên ngành đường sắt - đường bộ - đường thủy tăng cường các biện pháp hạn chế tải trọng cầu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người sử dụng cầu. Liên ngành đường sắt - đường bộ - đường thủy cần rà soát tổng thể, xem cần xây trụ chống va ở những vị trí nào đối với các cầu yếu. Sau đó, tăng cường thêm cọc để đảm bảo độ chắc chắn. Bên cạnh đó phải hoàn thiện hệ thống phao tiêu, biển báo bằng phao tiêu lớn hơn, sơn phản quang rõ nét để ban đêm tàu có thể biết để cảnh báo và có cảnh báo từ xa đối với tĩnh không thông thuyền…