Hàng nghìn người “đánh cược” sinh mạng trên cầu phao

Ở hai đầu cầu phao Vồm có biển cấm đi xe trên cầu song phần lớn người dân đi xe máy vẫn vô tư qua cầu mà không quan tâm tới nguy cơ xảy ra tai nạn.

Cầu phao Vồm bắc qua sông Chu, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cầu phao Vồm, bắc qua sông Chu, nối xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa và xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, khiến 2 người thiệt mạng vào sáng 16/9 đã cảnh báo về tình trạng mất an toàn trên các cầu phao, cầu tạm thuộc địa bàn huyện Thiệu Hóa, nhất là vào mùa mưa bão.

Trong số các cầu phao, cầu tạm trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, cầu phao Vồm là điểm nóng nhất về tình trạng mất an toàn và đây cũng là nơi có lượng người, phương tiện qua lại đông nhất. Được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động nhưng nhiều năm trở lại đây, cầu phao Vồm đã xuống cấp nghiêm trọng, các tấm ván, cây luồng trên mặt cầu bị vỡ, mục… Việc sửa chữa hư hỏng còn sơ sài, các tấm ván nối từ cầu lên bờ được đặt rất tạm bợ, không bảo đảm an toàn.

Ở hai đầu cầu phao Vồm có biển cấm đi xe trên cầu song phần lớn người dân đi xe máy vẫn vô tư qua cầu mà không quan tâm tới nguy cơ xảy ra tai nạn. Vai trò của Ban quản lý cầu trong việc nhắc nhở, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm cũng rất mờ nhạt. Theo phản ánh của người dân sống ở hai đầu cầu, vào mùa mưa bão, nước sông lên cao, chảy xiết, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao và thực tế đã xảy ra tai nạn chết người. Điển hình là sáng 16/9, hai nạn nhân là ông Trần Văn Lân (69 tuổi, trú tại thôn 3 xã Thiệu Quang) và anh Hoàng Đình Thắng (25 tuổi, trú tại thôn 2 xã Thiệu Quang) sau khi va chạm xe máy trên cầu Vồm đã rơi xuống sông và tử vong.

Một cầu phao mất an toàn giao thông khác trên địa bàn huyện Thiệu Hóa là cầu phao xã Thiệu Long, bắc qua sông cầu Chày nối hai thôn Tiên Long và Tiên Nông. Hoạt động 16 năm nay, hiện cầu phao này có chiều dài khoảng 40m, rộng 2m, được kết nối bởi những tấm ván, luồng cũ, có chỗ đã mục nát, kè bê tông ở hai bên đầu cầu đã bị nứt nham nhở. Dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng hàng ngày cây cầu này vẫn phải oằn mình “cõng” hàng trăm lượt người qua lại. Vào mùa mưa bão, có những thời điểm mưa lớn, nước sông cầu Chày lên cao, huyện Thiệu Hóa và chính quyền xã Thiệu Long buộc phải tạm ngừng hoạt động cầu phao này. Khi đó, hai thôn Tiên Long và Tiên Nông, xã Thiệu Long lại bị cô lập hoàn toàn.

Cầu phao bắc qua sông Chu nối hai xã Thiệu Phúc và Thiệu Tâm hoạt động nhiều năm nay cũng là điểm tiềm ẩn tai nạn. Các phương tiện kể cả xe đạp, xe máy qua cầu đều phải dắt bộ. Cầu không có lan can, mặt cầu được ghép nối từ những thân cây luồng, nứa và những tấm gỗ yếu.


Tình trạng mất an toàn tại các cầu phao trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoa rất đáng lo ngại và gây bức xúc cho người dân. Huyện, xã cũng đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, ngành giao thông hỗ trợ xây dựng cầu cứng cũng như sửa chữa nâng cấp các cầu phao. Tuy nhiên đến nay, các cầu phao này vẫn hoạt động trong tình trạng mất an toàn.

Trước mùa mưa bão năm 2016, UBND huyện Thiệu Hóa đã có văn bản chỉ đạo các xã tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các cầu phao, kiên quyết tạm ngừng hoạt động các cầu phao trong trường hợp không bảo đảm an toàn khi nước sông lên cao, chảy xiết… Huyện cũng chỉ đạo các xã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các trường hợp vi phạm. Trên thực tế công tác này chưa có hiệu quả tích cực nên vẫn xảy ra tai nạn đau lòng.

Duy Hưng - Mạnh Cường (TTXVN)
Tai nạn trên cầu phao qua sông Chu, 2 người chết đuối
Tai nạn trên cầu phao qua sông Chu, 2 người chết đuối

2 người chết trong một vụ tai nạn giao thông trên cầu phao Vồm bắc qua sông Chu, nối hai xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa và xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hoá (tỉnh Thanh Hóa) sáng 16/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN