Sáng 8/12, tại trung tâm hành chính huyện Nghĩa Hành, nước lũ đã dâng cao, có nhiều đoạn nước dâng lên hến hàng mét, làm cô lập, chia cắt hàng ngàn hộ dân tại các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện, Hành Dũng...
Ông Phan Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: do mưa lũ kéo dài, đặc biệt là vào đêm 7/12, lũ từ thượng nguồn về làm chia cắt hoàn toàn trung tâm huyện với 12 thị trấn, xã của huyện. Một số địa phương ngập sâu, với sóng lớn, cơ quan chức năng chưa thể đến trực tiếp được mà chỉ đạo công tác ứng phó từ xa.
Lãnh đạo huyện Nghĩa Hành đi kiểm tra các khu vực nước lũ bao vây và các tuyến đường giao thông bị chia cắt. Ảnh: Trần Lê Lâm /TTXVN |
Theo chân của đoàn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nghĩa Hành, phóng viên TTXVN đã vào sâu vùng lũ các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện. Từ trung tâm huyện đi các xã trên chỉ có con đường độc đạo ĐT624 ngập nước. Nhiều đoạn đường ngập sâu cả mét nước nên phải chuyển sang đi ghe để đến được những vùng dân bị cô lập. Dọc hai bên tuyến đường ĐT624 nước ngập trắng đồng, có những đoạn ngập sâu đến hơn 2m nước, nguy cơ bị lũ cuốn khi lưu thông qua đây là rất cao.
Để tiếp cận với thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện bị cô lập, nhóm phóng viên phải băng qua khu vực ngập nước chừng 2 km, hàng ngàn gốc chuối chỉ còn thấy chấp chới những tầu lá trên biển nước mênh mông. Thôn Mễ Sơn có khoảng 120 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu đã bị nước bao vậy cô lập từ khoảng một tuần nay.
Nước mắt rưng rưng, chị Nguyễn Thị Tín (thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện) cho biết: mưa lũ liên tục và kéo dài, nhà đã hết cái ăn. Bây giờ còn mấy con bò và đàn gà chỉ biết nuôi nó bằng nước giếng chứ gia đình không thể di chuyển qua hàng km đường ruộng ngập nước để mua thức ăn. Gia đình mấy ngày nay cầm cự bằng mỳ tôm.
Mặc dù đã cố hết sức, lãnh đạo xã Hành Thiện vẫn phải bất lực nhìn dòng nước lũ đang cuốn trôi, làm hư hỏng tài sản, hoa màu của bà con. Ông Mai Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện cho biết: do đây là vùng trũng thấp, xã vận động bà con tích trữ lương thực để có thể tự túc hậu cần đề phòng những trận mưa lũ kéo dài. Tuy nhiên, ba trận lũ liên tiếp với mực nước dâng cao thế này người dân không lường trước được. Trước mắt, với sự hỗ trợ của huyện, lực lượng chức năng đi ghe đến từng hộ, nhóm hộ bị cô lập để hỗ trợ mỳ tôm, nước uống, giúp bà con cầm cự chờ nước rút.
Tại các xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây, trong đêm 7/12, nước cuồn cuộn đổ về với mức cao, xấp xỉ với mực nước lũ lịch sử năm 2013. Chính vì vậy, người dân ở đây hầu như không kịp trở tay. Hàng ngàn con trâu, bò, gà, vịt phải dầm mình trong nước lũ. Tuy nhiên, do lũ dâng cao, việc đưa gia súc, gia cầm đến nơi an toàn rất khó khăn, nhiều hộ dân không thể thực hiện.
Nước lũ ở hai hệ thống sông Phước Giang và sông Vệ tiếp tục dâng cao. Hiện có khoảng 8.000 hộ dân thuộc 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Hành bị nước ngập vào nhà. Các địa phương đã tổ chức di dời 1.500 hộ, với 4.853 khẩu, ở vùng nước ngập sâu đến ở nhờ các hộ có nhà cao trong thôn, xóm tổ dân phố.
Ông Bùi Đình Thời, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: Lãnh đạo huyện đã xuống đến tận địa bàn các xã, thôn bị ngập lụt để chỉ đạo các địa phương, đơn vị duy trì thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổ chức trực ban 24/24h; chỉ đạo công tác “4 tại chỗ”, phân công người canh giác không cho người và phương tiện đi lại tại các bến đò ngang các điểm ngập sâu có nước chảy xiết như: bến đò ngang xã Hành Tín Đông- Hành Tín Tây, Hành Thịnh, Hành Phước, Hành Dũng - Hành Nhân; các điểm thuộc các tuyến đường như Hang Đá xã Hành Đức, Soi Dâu (Hành Dũng) có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Các đội xung kích ở thôn, tổ dân phố và đội xung kích ở xã, thị trấn được triển khai chuẩn bị sẵn sàng ứng phó công tác tìm kiếm cứu nạn và di dời dân, lương thực, thực phẩm đến nơi an toàn trước trong và sau lũ...
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo người dân không bị đói do mữa lũ, huyện Nghĩa Hành đang nỗ lực hết sức mình chăm lo cho đời sống nhân dân vùng lũ. Trước mắt, huyện đã chuẩn bị sẵn sàng 30 tấn gạo, 5.000 thùng mỳ tôm và khoảng 1.000 thùng nước uống để hỗ trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng lũ lụt, nhất là vùng bị chia cắt, cô lập lâu ngày.