Mặc dù tình hình chung của thị trường là sức mua yếu, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm nhưng vẫn có những loại hàng hoá, dịch vụ rất đắt khách những ngày sát Tết này.
Hàng càng “độc”, càng dễ bán
Mặc dù có mức giá rất cao, từ 600.000 - 900.000 đồng/kg, nhưng các loại thịt gác bếp như trâu, bò, lợn - đặc sản của người dân các tỉnh miền núi phía bắc - vẫn “hút” người tiêu dùng miền xuôi. Chị Hoàng Giang, một người nhận đặt mua thịt trâu gác bếp tại phố Lý Nam Đế, Hà Nội cho biết, năm nay chị lấy đặc sản thịt trâu gác bếp từ Điện Biên về bán. Loại thịt này ít bán trên thị trường Hà Nội nên được nhiều khách hàng đặt mua về ăn hoặc làm quà biếu.
Dịch vụ rửa xe luôn đắt khách dịp giáp Tết do ai cũng muốn có xe mới, xe đẹp đi chơi xuân. |
Mặc dù chỉ bán qua mạng nhưng trong tháng Chạp, chị Giang luôn trong tình trạng không có hàng mà bán. Do giá cao nên chị chia thịt thành các gói nhỏ để khách dễ mua, mỗi gói nửa cân có giá 500.000 đồng. Nếu mua nhiều, giá giảm xuống còn 900.000 đồng/kg.
Còn anh Đỗ Tiến Đinh, một chủ đầu mối cung cấp thịt trâu, bò gác bếp tại phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, năm nay, có rất nhiều khách chọn mua loại thịt này, trung bình mỗi người mua từ 1- 2 kg. Giá các mặt hàng thịt rất đa dạng, tùy chủng loại. Thịt trâu, bò loại ngon có giá 700.000- 800.000 đồng/kg, lợn đen gác bếp có giá 500.000- 600.000 đồng/kg. “Thực phẩm đặc sản làm quà biếu vừa sang, lại thiết thực, nên được nhiều người chọn. Thịt ngựa gác bếp Tết này lên ngôi vì nhiều người muốn thay đổi khẩu vị”, anh Đinh nói.
Tuy nhiên, thịt gác bếp dễ bị mốc nếu không biết cách bảo quản. Vì thế, người bán thường khuyên khách hàng nên bảo quản trong ngăn đá. Còn nếu muốn để thịt lâu, nên đem phơi dưới trời nắng to.
Các loại trà có hương vị mới lạ và đảm bảo an toàn được nhiều người ưa thích. |
Những năm gần đây, mâm cỗ Tết thường có khá nhiều các loại thịt lợn, thịt gà nên nhiều gia đình muốn có những món ăn mới, thay đổi khẩu vị để ăn đỡ ngán. Vì thế, xu hướng mua sắm những món thực phẩm độc, lạ trở nên ngày càng phổ biến hơn. TS Võ Văn Sự (Viện Chăn nuôi Việt Nam) đánh giá, đây là cơ hội để những hộ nông dân miền núi cung ứng những đặc sản cho khu vực thành phố, đồng bằng. Theo đó, các món đặc sản như gà H’Mông, lợn Mán… ngày càng được người miền xuôi ưa chuộng do “lạ miệng”.
Bên cạnh đó, các món “quà quê” cũng được người tiêu dùng thành phố ưa thích do tin tưởng về độ an toàn, bổ dưỡng. Chị Anh Vũ, phóng viên một tờ báo tại Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi có người quen ở Hà Nam nên năm nào cũng gọi điện đặt chuối ngự Đại Hoàng, cá kho làng Vũ Đại từ trước Tết cả tháng, tránh gần Tết mới mua, giá sẽ cao”. Theo chị Vũ, chuối ngự Đại Hoàng có giá 150.000 đồng/nải, cá kho làng Vũ Đại có giá 1.000.000 đồng/nồi mà vẫn khan hàng. Các món đặc sản vùng miền khác như nem chua Thanh Hóa, bánh đa vừng Nghệ An… cũng được nhiều người chọn mua trong dịp Tết.
Đặc sản miến dong Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) vào mùa nhộn nhịp nhất trong năm. |
Khi chọn mua hàng Tết “độc”, người tiêu dùng thường mua của người quen, chỗ tin tưởng, hoặc về tận quê để chọn được đặc sản ngon. Theo kinh nghiệm của những người “sành sỏi”, khi mua hàng được quảng cáo trên mạng, khách hàng nên xem cửa hàng đó có uy tín không và giá cả thế nào. Nếu có thời gian, người mua nên đến tận nơi để xem hàng, đề phòng trường hợp hàng hóa khi nhận không như ý muốn.
Dịch vụ rửa xe, dọn nhà đông khách
Không chỉ các mặt hàng đặc sản độc, lạ mà các dịch vụ như dọn dẹp nhà cửa, văn phòng, rửa xe… cũng đắt khách dịp sát Tết này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tiền công dọn dẹp văn phòng thời vụ dao động từ 100.000 - 400.000 đồng/buổi. Bà Trần Thị Mai, 54 tuổi, quê ở Hà Tây (cũ) lên Hà Nội bán rau ở các chợ. Gần Tết, bà nhận thêm công việc dọn văn phòng ở những nơi có nhu cầu, thu về 5 – 6 triệu đồng chỉ trong những tuần cuối năm, gấp nhiều lần số tiền kiếm được từ việc bán rau. Theo bà Mai, dọn văn phòng thường nhàn hơn dọn nhà dân. Công việc của bà là lau chùi cửa kính, bàn, ghế, lau sàn, tưới cây cảnh… Ngoài tiền công được trả, bà Mai còn kiếm thêm thu nhập từ việc bán giấy tờ, sách báo cũ.
Càng gần Tết, không ít gia đình tại thành phố lại đau đầu vì không có người giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, sắm Tết bởi người giúp việc nằng nặc đòi về quê sớm. Khi người giúp việc về quê, nhiều gia đình không có người trông nom nhà cửa; bởi thế, dịch vụ trông nhà thuê trong mấy ngày Tết lại có “đất phát triển”. Nhiều gia đình không tìm được ai trông giúp nên tìm đến các công ty môi giới.
So với các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thì dịch vụ rửa xe, thay dầu hút khách hơn cả. Các cửa hàng không phải tốn nhiều công sức mà lợi nhuận lại cao. Bởi vậy, nhiều cửa hàng đã chuyển hẳn sang chuyên rửa xe, thay dầu và từ chối các yêu cầu sửa chữa, bảo dưỡng trong những ngày cuối năm. Bên cạnh đó, các dịch vụ sơn, dán đề can, trang trí thân xe trên phố Huế, Bà Triệu, Cao Bá Quát cũng khá hút khách dù giá cả tăng nhẹ. Với ô tô, dịch vụ được ưa chuộng nhất vẫn là bảo dưỡng, hút bụi, làm lại nội thất xe… với chi phí trọn gói từ 1 – 3 triệu đồng tùy loại. |
Dịch vụ này chủ yếu do các công ty trong lĩnh vực bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh cung cấp. Mức giá trông giữ phụ thuộc vào từng nhà. Nhà càng rộng, càng nhiều đồ đạc đắt tiền thì mức giá càng cao. Ông Lê Đình Long, giám đốc một công ty bảo vệ ở quận Cầu Giấy cho biết, do kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều gia đình có nhu cầu tìm người trông nhà. Đến thời điểm này, công ty đã khóa sổ, không nhận thêm hợp đồng. Để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, trong những ngày Tết, công ty phải chọn những nhân viên trung thực, có kinh nghiệm và trong độ tuổi từ 30 - 40 tuổi. Điều này cũng khiến giá thuê dịch vụ khá cao, ở mức 150.000 - 200.000 đồng/giờ hoặc 1 - 1,5 triệu đồng/ngày. Khách thuê dài ngày sẽ được giảm giá.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tin tưởng để giao nhà của mình cho người lạ trông giữ. Cô Hồ Kim Điệp (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trong thời gian về quê ăn Tết, cô giao nhà cửa lại cho một đồng nghiệp trẻ tuổi cùng cơ quan trông giúp. Do đồng nghiệp ở Hà Nội nên có thể tiện qua lại trông nom. Mức giá do hai bên tự thương lượng trên tinh thần “tình cảm là chính”.
Một dịch vụ khác cũng dễ “hốt bạc” dịp này là rửa, tân trang ô tô, xe máy. Dạo qua các tuyến phố tại Hà Nội, có thể thấy những cửa hàng rửa xe, sửa chữa ô tô, xe máy những ngày này lúc nào cũng đông khách dù giá tăng đáng kể, có nơi gấp đôi ngày thường. Anh Lê Hùng, nhân viên một cửa hàng rửa xe trên phố Thái Hà, cho biết: “Bình thường, giá rửa xe máy chỉ 20.000 đồng/xe thì nay tăng lên 40.000 đồng/xe; ô tô 40.000 đồng/xe thành 100.000 – 120.000 đồng/xe. Khách đến cửa hàng rất đông nhưng ít người phàn nàn về giá cả”. Còn tại khu vực Thanh Trì, mức giá rửa xe, thay dầu máy vẫn ổn định như ngày thường. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Quyền (chủ cửa hàng rửa xe ở xóm 4, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì), khách hàng sẽ phải đợi rất lâu do khách đến rửa xe rất đông, không còn chỗ để xếp xe. Nhiều người phải để xe lại tại cửa hàng, mấy tiếng sau mới quay lại lấy xe.
Bài và ảnh: Hoàng Dương