Ngày 15/2, Hà Nội chính thức xóa sổ các điểm trông giữ xe tại 262 tuyến phố trong 9 quận nội thành. Nhiều tuyến phố đã trở nên thông thoáng, vì các “điểm nóng” trông giữ xe gây mất trật tự an ninh, ùn tắc giao thông đã bị khai tử. Tuy nhiên, do việc thực hiện chưa đồng bộ, không ít điểm trông giữ xe vẫn ngang nhiên “phớt lờ” lệnh cấm. Nhiều ý kiến phản ánh, việc thu hồi giấy phép hoạt động trông giữ xe đưa ra không song hành cùng việc bố trí điểm trông giữ xe mới thuận tiện sẽ gây khó khăn cho người dân và lại rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như trước đây. Ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội ra quân kiên quyết xử lý từ ngày hôm nay (16/2) để giải bài toán khó này.
Nan giải!
Theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, ngày 15/2, Sở GTVT và 9 quận phải hoàn thành việc thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện trên vỉa hè, lòng đường tại 262 tuyến phố, trong đó, quận Hoàn Kiếm có 76 tuyến, quận Ba Đình 52 tuyến, quận Hai Bà Trưng 20 tuyến, quận Đống Đa 35 tuyến, quận Cầu Giấy 29 tuyến, quận Thanh Xuân 27 tuyến, quận Tây Hồ 15 tuyến, quận Long Biên 2 tuyến, quận Hoàng Mai 6 tuyến. Các tuyến phố này sẽ không được phép tổ chức trông giữ xe để thu tiền, còn người dân, các cơ quan mặt phố vẫn được để xe máy trên vỉa hè nhưng phải sắp xếp trật tự để không gây ảnh hưởng đến người đi bộ. Đối với ô tô, các tổ chức, cá nhân bắt buộc phải đưa xe vào gửi tại các bãi trông giữ xe được cấp phép.
Tuyến phố La Thành là một trong các tuyến phố cấm đỗ xe trên lòng đường và vỉa hè, không rõ điểm trông giữ xe này có phải "ngoại lệ" không? (ảnh chụp sáng 15/2). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu tiên Hà Nội chính thức xóa sổ các điểm trông giữ xe, tuyến phố nào bố trí lực lượng công an, dân phòng để thực hiện nhiệm vụ thì các điểm trông giữ xe bị khai tử, tuyến phố thông thoáng và ngược lại. Trước cổng Bệnh viện Mắt Trung ương trên phố Bà Triệu và trước Tòa nhà Tháp Vincom (quận Hoàn Kiếm), nơi được xem là điểm nóng về tình trạng đỗ xe tràn lan khắp lòng đường, vỉa hè đã không còn cảnh nhốn nháo, người và phương tiện chen lấn, thường xuyên gây tắc nghẽn cả tuyến phố. Song, nhiều người nhà bệnh nhân và người đi đường lại tỏ ra bối rối không biết để xe ở đâu khi đến bệnh viện, vào tòa nhà Vincom, vì bãi trông giữ xe của Nhà nước đã hết chỗ hoặc phải đi tìm các điểm trông giữ ở xa, vô tình dẫn đến tình trạng dừng đỗ xe lộn xộn trên các tuyến phố liền kề.
Trong khi đó, trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn trước Nhà hát Múa rối Thăng Long (quận Hoàn Kiếm), các điểm trông giữ xe vẫn hoạt đồng bình thường, thậm chí, các điểm tại đây vẫn dựng cả biển trông giữ phương tiện. Các tuyến phố khác như Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), Kim Mã (quận Ba Đình)... tình trạng trông giữ xe tràn lan vẫn diễn ra như trước đây. Thêm vào đó, tình trạng phương tiện dừng, đỗ dưới lòng đường, vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến, gây mất trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, trên đường Trần Duy Hưng, đoạn trước cổng Kiểm toán Nhà nước, tình trạng ô tô đỗ lấn chiếm toàn bộ vỉa hè vẫn ngang nhiên, mặc dù tuyến đường này thuộc diện cấm trông giữ xe cả lòng đường và vỉa hè theo quy định...
Thực tế, diện tích giao thông tĩnh của Thủ đô hiện nay hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nên việc thu hồi giấy phép trông giữ xe tại 262 tuyến phố và bố trí mới các điểm đỗ xe khác trong thành phố thật sự là bài toán nan giải, khiến Hà Nội càng thiếu trầm trọng điểm trông giữ xe. Toàn thành phố hiện có khoảng 3,8 triệu xe máy, 370.000 ô tô, riêng các quận nội thành Hà Nội có khoảng 184.000 ô tô và 2,3 triệu xe máy. Một loạt điểm đỗ xe của thành phố như Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Nam Thăng Long… được xây dựng theo quy hoạch phục vụ mục đích đỗ xe cũng chỉ tiếp nhận được hơn 2.800 ô tô. Chưa kể, nhiều dự án nhà cao tầng, mặc dù đã có quy định phải đảm bảo nhu cầu đỗ xe, song các công trình này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% số phương tiện, số còn lại vẫn tràn ra lòng đường, vỉa hè.
Theo Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, đơn vị này đang quản lý 191 điểm trông giữ xe trên toàn thành phố. Với việc thành phố ra quyết định rút giấy phép trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố, công ty sẽ có 49 điểm trông giữ phương tiện tại 35 tuyến phố bị rút giấy phép, chủ yếu tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, với sức chứa 1.400 ô tô, 200 xe máy; về tỷ lệ bãi trông giữ bị ảnh hưởng chiếm 30% trên tổng số, khoảng 18.000 m2… Do đó, giải bài toán cấm chỗ này, mở chỗ khác không hề đơn giản trong bối cảnh hạ tầng giao thông Thủ đô hiện nay.
Phải xử lý kiên quyết
Có thể thấy tình trạng trông giữ xe tại Hà Nội thời gian qua gây bức xúc dư luận, gây mất mỹ quan đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ùn ắc giao thông nghiêm trọng cho nhiều tuyến đường nội đô, nhất là trong bối cảnh Hà Nội phải căng sức để thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ùn tắc. Chưa kể, các điểm trông giữ xe tư nhân, trái phép mọc lên “như nấm sau mưa” đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội; lợi dụng những kẽ hở của pháp luật thu phí vô tội vạ, tạo ra những khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng lại khiến Nhà nước thất thu. Đặc biệt, những điểm trông giữ xe này đã và đang tạo ra những dư luận xấu về tình trạng “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo dưới không nghe”...
Trước thực tế này, liên ngành GTVT và Công an Hà Nội từ hôm nay thành lập các tổ liên ngành hỗ trợ cho các quận đi kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm trông giữ xe trên vỉa hè. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự cơ sở, thanh tra Sở GTVT cũng được phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm đỗ, dừng không đúng nơi quy định trên các tuyến phố cấm. Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị các quận tăng cường tuyên truyền để chủ các điểm trông giữ xe tự giác chấp hành chủ trương của thành phố, sau khi thu hồi giấy phép, liên ngành sẽ bàn giao lại cho chính quyền các quận và các đội cảnh sát khu vực, thanh tra GTVT duy trì không để phát sinh vi phạm mới. Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ thu hồi các biển báo, xóa các vạch sơn đường cho phép đỗ xe trước đây, thay vào đó là các biển báo cấm đỗ, dừng xe.
Theo ý kiến của các chuyên gia giao thông Hà Nội, việc cấm trông giữ xe tại các tuyên phố chính của 9 quận nội thành là giải pháp đúng đắn, vì tạo thêm được không gian cho lòng đường, giúp các phương tiện lưu thông tốt hơn, góp phần giảm bớt được nhu cầu gia tăng lượng xe cá nhân tham gia giao thông. Do đó, cần làm kiên quyết, tránh kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Tuy nhiên, để đáp ứng lại nhu cầu đi lại của người dân khi lượng phương tiện cá nhân bị hạn chế, ngành GTVT Hà Nội cần phải nghiên cứu bố trí lại các phương tiện vận tải công cộng. Trước mỗi quyết định mới lạ, bao giờ người dân cũng phản ứng khác nhau, nhưng khi quyết định hợp lý và phục vụ tốt cho chất lượng cuộc sống, người dân sẽ đồng tình. Điều quan trọng của mọi giải pháp là sự ủng hộ cũng như ý thức của người dân.
Các tuyến phố cấm trông giữ xe đều nhỏ, hẹp
Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Giáp cho biết: Các tuyến phố được chỉ đạo rút giấy phép trông giữ phương tiện đều là những tuyến phố chính, nhưng có mặt đường nhỏ, vỉa hè chật hẹp, nên phải hạn chế đến mức tối đa việc trông giữ phương tiện với mục đích đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc. Để đáp ứng nhu cầu gửi xe cho người dân, liên ngành GTVT và Công an thành phố đã nghiên cứu, lập danh sách 230 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ phương tiện và đang trình thành phố xem xét cấp phép. Các điểm trông giữ xe được ưu tiên cấp phép mới nằm tại các đường ngang không phải là trục giao thông chính, phố có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông thấp, các bãi đất trống… Riêng tại các tuyến phố nằm trong khu vực trung tâm thành phố, nếu có nhu cầu đỗ xe lớn sẽ xem xét cấp phép đỗ xe một bên đường, nhưng vẫn phải thỏa mãn các điều kiện về bề rộng đường, hè.
Cần xem xét lại các tuyến phố có hạ tầng tốt để trông giữ xe
Phó Giám đốc Công ty Khai tác điểm đỗ xe Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Lam cho biết: Thành phố cấm trông giữ xe tại các tuyến phố để giảm ùn tắc là chủ trương hợp lý. Tuy nhiên, thành phố cần xem xét lại việc rút giấy phép ở một số tuyến phố có hạ tầng tốt, đường rộng, đã xén vỉa hè sâu vào trong, không ảnh hưởng tới giao thông đô thị để tổ chức trông giữ xe như những phố Văn Cao, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khánh Toàn… Bên cạnh đó, để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các điểm đỗ, giao thông tĩnh, thành phố cần tạo được cơ chế tốt cho các nhà đầu tư như lãi suất ưu đãi, không thu tiền thuê đất, cơ chế động viên nhà đầu tư... vì hiện nay quy trình thẩm định gây nhiều khó khăn về thời gian, lãi suất, khiến công tác xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Đây là việc nên làm từ lâu
Anh Nguyễn Đức Tú ở phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm) cho biết: Việc cấm trông xe trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng hay ở các tuyến phố khác của thành phố là việc nên làm từ lâu rồi, chứ không phải để đến bây giờ, bởi các điểm trông giữ xe tại đây gây rất nhiều phiền toái cho người dân. Các điểm trông giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không chỉ dựng xe chắn hết đường vào nhà, gây mất trật tự an ninh, mà còn là nguyên nhân chính thường xuyên gây tắc nghẽn giao thông trong khu vực phố cổ. Thêm vào đó, chuyện lấy lòng đường, vỉa hè trên các tuyến phố làm bãi giữ xe thật ra là chuyện phục vụ "nhóm lợi ích "chứ chẳng phải chuyện cần thiết phải "có" của xã hội, nếu dẹp bỏ cương quyết thì chắc chắn xã hội tốt lên. |
Nguyễn Tiến thực hiện