Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Lan Hương - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố; Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội. Dự buổi đối thoại còn có hơn 1000 công nhân lao động đại diện cho hơn 1,5 vạn công nhân lao động đang làm việc trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.
Nhiều kiến nghị của người lao động được giải quyết
Báo cáo tình tình thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố sau Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và đại biểu Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVI, ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng Ban quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, thành phố đã có Thông báo số 472/TB-UBND ngày 14/5/2018 giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trực thuộc giải quyết kiến nghị cho người lao động. Trong tổng số 41 nhiệm vụ (18 nhiệm vụ của 6 huyện trùng nhau), đến nay, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện được 13 nhiệm vụ, 10 nhiệm vụ đang giải quyết, 18 nhiệm vụ chưa có báo cáo (15 nhiệm vụ của 5 huyện trùng nhau).
Theo ông Phạm Khắc Tuấn, một số vấn đề nổi bật liên quan trực tiếp tới đời sống người lao động đã được giải quyết như: Bổ sung cây rút tiền ATM trong các khu công nghiệp; sửa chữa, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường tại Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai; rà soát, lắp đặt tăng cường hệ thống mạng không dây (WIFI) miễn phí tại khu nhà ở công nhân để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần và trau dồi, nâng cao kiến thức cho công nhân lao động.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã rà soát các điểm xung đột giao thông, có nguy cơ gây ùn tắc tại khu vực nút giao Bắc Thăng Long - Đường 5 kéo dài, triển khai lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc độ... đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực; kiểm tra, rà soát chấn chỉnh nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cấp cơ sở, đặc biệt là khu vực tập trung đông công nhân lao động; thành lập các Trạm y tế tại các khu công nghiệp…
Tiếp tục kiến nghị những vấn đề thiết thực
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung với công nhân lao động Thủ đô năm 2019, Liên đoàn Lao động thành phố đã phát phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động từ các công đoàn cơ sở.
Qua tổng hợp, có 214 ý kiến, kiến nghị về vấn đề đời sống, việc làm; 55 kiến nghị về vấn đề giao thông; 264 kiến nghị về thực hiện chính sách đối với người lao động; 36 ý kiến, kiến nghị về quan hệ lao động và giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; 25 kiến nghị đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đặc biệt cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” tại các khu nhà trọ công nhân, các khu công nghiệp – chế xuất; 45 ý kiến, kiến nghị đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp…
Đáng chú ý, tại buổi đối thoại trực tiếp sáng 11/5, đã có hơn 20 lượt ý kiến của đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, công nhân lao động kiến nghị tới Chủ tịch UBND thành phố và các ban ngành chức năng của thành phố. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến đời sống việc làm, thu nhập của người lao động, vấn đề an sinh xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, an ninh trật tự trong các khu công nghiệp…
Sẽ giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người lao động
Bày tỏ tiếp thu và chia sẻ với những nội dung của 22 công nhân và đại diện công đoàn các doanh nghiệp kiến nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết quyết liệt trong thời gian tới, nhất là một số vấn đề giải quyết chưa tốt hoặc chưa giải quyết được.
Cụ thể, về vấn đề nhà ở, thành phố đang chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và người lao động làm việc trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. Hiện thành phố đã xây dựng được 4,2 triệu m2 nhà ở xã hội và đến năm 2020 sẽ hoàn thành 6,2 triệu m2 nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trên địa bàn.
Trả lời kiến nghị tại Khu Công nghiệp Nam Thăng Long chỉ có một đường vào, xe hàng không có chỗ đỗ, thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan sớm có biện pháp điều chỉnh tăng diện tích phục vụ hạ tầng các khu công nghiệp được tốt hơn. Thành phố yêu cầu đơn vị thoát nước xử lý khẩn trương hiện tượng ngập úng tại khu vực đường Quốc lộ 6 - thuộc khu vực Yên Nghĩa (Hà Đông); Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghiệp – Chế xuất mạnh tay chấn chỉnh tình trạng nhiều quán ăn, nước giải khát, hàng rong trong khu công nghiệp gây mất trật tự an toàn giao thông.
Về nhu cầu được thuê nhà ở tại Khu nhà ở xã Kim Chung, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh, tại buổi đối thoại năm 2018, công nhân đã kiến nghị những vướng mắc về giá thuê, diện tích phòng chưa phù hợp, thành phố đã chỉ đạo Công ty Quản lý và Phát triển nhà chia ngăn nhỏ căn hộ nhưng tiến độ thực hiện còn chậm. Lãnh đạo thành phố đề nghị công nhân nếu có nguyện vọng thuê nhà liên hệ với Ban Quản lý nhà và thành phố sẽ xem xét có chính sách hỗ trợ giá thuê, điều chỉnh diện tích.
Đối với vấn đề nước sạch, đến thời điểm 31/12/2018, tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân ở vùng nông thôn thành phố đã đạt 55%, thành phố phấn đấu đến hết 2020 toàn bộ nông thôn được cung cấp nước sạch.
Cũng tại cuộc đối thoại, trước ý kiến công nhân phản ánh còn tồn tại tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen trong công nhân lao động, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các quận huyện đẩy mạnh hơn nữa các đợt cao điểm trấn áp tội phạm để giải quyết hiệu quả vấn nạn này.
Lãnh đạo thành phố đặc biệt chia sẻ, cảm thông với tâm tư của người lao động về giá điện, giá xăng tăng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống công nhân. Riêng các kiến nghị yêu cầu làm rõ chính sách bảo hiểm xã hội và quyền lợi liên quan đến người lao động cũng như vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh vào thứ 7 và chủ nhật…; Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đã tiếp thu 12 ý kiến và chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, sau hội nghị này sẽ có văn bản trả lời cụ thể cho các đơn vị liên quan.
Kết thúc phần đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: Lãnh đạo Hà Nội luôn đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp và công nhân lao động đối với sự phát triển của thành phố, luôn lấy doanh nghiệp và người lao động làm đối tượng quan tâm. Thành phố mong muốn anh em công nhân tiếp tục phát huy truyền thống, hăng say lao động sản xuất, phát huy sáng kiến sáng tạo, làm ra sản phẩm với năng suất cao, chất lượng tốt để góp phần phát triển doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cá nhân. Đặc biệt, đề nghị các cấp công đoàn cơ sở cần phát huy vai trò của mình, sát sao nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công nhân để phản ánh lên công đoàn cấp trên, đề xuất với lãnh đạo thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời hơn, chứ không phải chờ dịp đối thoại hàng năm.
Bày tỏ vui mừng trước tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chân thành, cởi mở của Hội nghị đối thoại năm nay, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, hoạt động này không chỉ thể hiện trách nhiệm người đứng đầu thành phố với người lao động mà còn thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với lực lượng công nhân lao động.
Nhân dịp này, Liên đoàn Lao động Hà Nội đã tặng quà cho 90 công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhằm khích lệ, động viên công nhân lao động yên tâm làm việc.