Hà Nội không "cháy" thuốc chữa đau mắt đỏ, trong khi dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên người dân vẫn nên có biện pháp đề phòng với dịch bệnh này. Đó là những thông tin mà các chuyên gia y tế đưa ra với PV Tin Tức chiều 26/9.
Sẵn sàng điều trị cho người bệnh
Những ngày qua, nhiều người dân Hà Nội xôn xao với thông tin: "Cháy" thuốc trị đau mắt đỏ vì nhiều người đã đổ xô đi mua thuốc để chữa bệnh và để... đề phòng.
Khám điều trị cho người bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo điều tra riêng của PV Tin Tức, tại nhiều cửa hàng thuốc trên phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Minh Khai (Hà Nội), những ngày gần đây đã xảy ra tình trạng: Số người đi mua thuốc nhỏ mắt để trị bệnh đau mắt đỏ tăng lên đột biến, nên các cửa hàng đã cạn thuốc Tobrex, một loại thuốc thường được các BS chỉ định để trị bệnh đau mắt đỏ. “Cửa hàng hết thuốc hai ngày nay rồi. Hết hàng từ hãng nên có đi khắp nơi cũng không có thuốc đâu. Mà cũng chưa biết khi nào có thuốc về, tôi vẫn hướng dẫn người dân mua loại thuốc khác có cùng hoạt chất, cùng tác dụng điều trị", chị Bùi Thị Hoài, nhân viên bán hàng tại hiệu thuốc trên phố Lê Thánh Tông (Hà Nội), cho biết, chiều 26/9.
Tuy nhiên, trả lời PV chiều 26/9, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định: “Hà Nội không thể thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ, vì vậy người dân không nên lo lắng về vấn đề này. Sở Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị tăng cường nhân lực, bàn khám, trang thiết bị và thuốc để kịp thời khám, điều trị, tư vấn cho bệnh nhân. Việc một số nhà thuốc thông tin "cháy" thuốc điều trị đau mắt đỏ có thể nhằm mục đích để nâng giá thuốc”.
Còn Ths. BS Vũ Thị Thanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, cho biết: “Bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại bệnh viện đang có xu hướng giảm. Ngày 26/9, tại bệnh viện có khoảng 200 bệnh nhân, trong khi trước đó mỗi ngày có khoảng 300 bệnh nhân”. Đồng tình với quan điểm này, BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết: “Những ngày gần đây, dịch đau mắt đỏ đã có dấu hiệu giảm dần. Đây là căn bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn chuyển mùa thu - đông nhưng khi có gió mùa về, lượng bệnh nhân sẽ thưa dần rồi giảm hẳn”.
Theo BS Vũ Thị Thanh: “Người dân không nên hoang mang khi đón nhận thông tin nêu trên. Các cơ sở y tế Hà Nội luôn chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc và trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu khám chữa mắt và điều trị cho bệnh nhân đau mắt đỏ”.
Cũng theo BS Thanh, khi bị bệnh đau mắt đỏ, quan trọng là người bệnh cần đảm bảo vệ sinh, nhỏ nước muối sinh lý ngày 4 - 6 lần/ngày. Bằng biện pháp này, nhiều bệnh nhân đã tự khỏi bệnh mà không cần phải tra thuốc kháng sinh. Người bệnh chỉ nên tra thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tăng cường phòng, chống dịch
Không chỉ có ngành y tế chủ động trong việc khuyến cáo phòng bệnh, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, Sở GD - ĐT Hà Nội cũng đã có công văn gửi các Phòng GD - ĐT, các trường trực thuộc Sở, yêu cầu lên công tác phòng, chống dịch bệnh này trong trường học.
Theo đó, các trường học phải tăng cường theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh hàng ngày tại trường học. Khi có các trường hợp có biểu hiện sốt, đau mắt phải cách ly ngay học sinh có biểu hiện bất thường. Thông tin thường xuyên với gia đình học sinh, các học sinh bị đau mắt đỏ không nên đến trường. Nhân viên y tế trường học không tự điều trị đau mắt đỏ cho học sinh tại trường, khi chưa có hướng dẫn của cơ quan y tế. Các trường học thông tin, báo cáo kịp thời cho các cấp quản lý giáo dục và cơ quan y tế địa phương về dịch đau mắt đỏ tại trường.
Các trường học tổ chức vệ sinh môi trường như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, không để rác tồn đọng trong khu vực trường học. Đảm bảo đủ nước sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ khu vệ sinh.Tăng cường vệ sinh buồng lớp, đảm bảo thông thoáng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, khăn mặt, khăn lau cho trẻ em, vệ sinh đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ (ở các trường mầm non).Thực hiện rửa tay cho học sinh, đặc biệt các trường mầm non và tiểu học tổ chức bán trú.
Cùng đó, tăng cường điều kiện cơ sở vật chất ở các trường học có tổ chức ăn trưa, bếp ăn tập thể. Các bếp ăn tập thể trong trường phải đảm bảo điều kiện vệ sinh: Nguồn nước sạch, hệ thống nước rửa tay cho học sinh, vệ sinh bếp, dụng cụ đồ dùng chứa đựng thức ăn... Phối hợp với Trung tâm y tế quận, huyện mở các lớp tập huấn, tuyên truyền về Phòng chống dịch bệnh cho cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ y tế trường học, nhân viên phục vụ ở các trường.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, đeo kính và khẩu trang khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Tra nước muối sinh lý hàng ngày để vệ sinh mắt. Hạn chế đến chỗ đông người, dùng khăn, chậu và các vật dụng cá nhân riêng khi bị mắc bệnh. (Ths. BS Vũ Thị Thanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội) |
Phương Liên - Thu Trang