Bên cạnh đó, nước sông lại đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, Hà Nội muốn hướng tới một nền sản xuất sạch, ngay chất lượng nước cũng phải được nâng cao. Tuy nhiên, để nâng cấp, cải tạo hệ thống này cần nguồn lực không nhỏ.
Nhiều dòng sông bị ô nhiễm
Hà Nội có nhiều con sông lớn chảy qua như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi… với tổng chiều dài hơn 620km. Nhưng hiện nay, nước sông đang bị ô nhiễm, xảy ra trên hệ thống sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông La Khê và nhiều tuyến sông, kênh mương khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông là do nước thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, khu vực dân sinh… chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng đã xả vào hệ thống công trình thủy lợi.
Cán bộ ngành môi trường đang kiểm tra lưu lượng nước và mức độ ô nhiễm từ một miệng cống nước thải đổ ra sông khu vực Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh Trọng Đạt/TTXVN |
Chạy dọc các sông, hệ thống đê điều của Hà Nội hiện có 626,124km, đi qua địa bàn 224 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố có 251 khu dân cư, với 6.744 hộ dân, tương ứng 30.177 nhân khẩu đang sinh sống trong phạm vi bảo vệ đê điều. |
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi ở một số nơi vẫn xảy ra. Đó là tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên đê, nhất là các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng chưa được xử lý triệt để.
Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi diễn ra khá phức tạp cả về số vụ vi phạm cũng như mức độ vi phạm. Hành vi này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thoát nước, sự an toàn của công trình thủy lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhân dân vùng hưởng lợi của công trình. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi khi bị xâm hại sẽ gây khó khăn rất nhiều cho vận hành và ứng cứu công trình khi có sự cố xảy ra.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 2.000 trạm bơm, 95 hồ chứa nước thủy lợi vừa và nhỏ, 10.400km kênh mương tưới tiêu các loại, đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất và phòng chống úng ngập. Tuy nhiên, khoảng 70% công trình này có thời gian xây dựng và đưa vào vận hành trên 30 năm. Các công trình này hiện đã xuống cấp, một số công trình do phát triển đô thị nên đã thay công năng. Do đó, cần phải được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết thêm, trên hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đuống còn nhiều đoạn chưa đảm bảo mặt cắt, mặt đê chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông đi lại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Một số đoạn còn tiềm ẩn những ẩn họa trong khi các tuyến đê này là đê cấp đặc biệt và cấp I. Không những thế, toàn thành phố có 265km kè bờ sông nhưng đến nay mới được đầu tư gia cố chống sạt lở 118,4km. Trong số chiều dài tuyến kè còn lại chưa được gia cố có 40km có nguy cơ sạt lở cao và 4km là tuyến kè cũ đã hư hỏng.
Cần xã hội hóa nguồn vốn
Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi có vai trò rất lớn, không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Trong khi đó, để cải tạo nâng cấp lại hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp lại cần đến một nguồn vốn không nhỏ. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến đê và dự án thủy lợi.
Cụ thể, nâng cấp hệ thống đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống theo chương trình nâng cấp đê sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đầu tư kinh phí thực hiện các dự án theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy…
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành cho Hà Nội năm 2017 chỉ có 400 tỷ đồng; trong đó có 300 tỷ đồng phục vụ nâng cấp đê điều và 100 tỷ đồng cho chương trình nước sạch nông thôn.
Ông Thắng cho rằng, đối với Hà Nội, việc phòng chống thiên tai, tiêu nước phải gắn với bảo vệ cảnh quan, trong đó sớm đưa 4 con sông Tích, Đáy, Nhuệ, Tô Lịch trở về thành những con sông tự nhiên. Để có nguồn lực triển khai các dự án thủy lợi, theo ông Thắng, Hà Nội cần tính đến giải pháp xã hội hóa và vay vốn ODA.
Đồng quan điểm trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài nhận định, hệ thống đê của Hà Nội là tuyến đê quan trọng nhất của cả nước, trong đó có những đoạn cấp đặc biệt. Hơn nữa, hầu hết các tuyến đê của Hà Nội đều gắn với giao thông. Tuy nhiên, kinh phí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho Hà Nội thực hiện trong năm 2017 chỉ là những đoạn đê xung yếu nhất, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, Hà Nội cần tranh thủ tốt các nguồn lực khác và bố trí kinh phí để triển khai các hạng mục này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia thủy lợi, muốn xã hội hóa hệ thống đê điều, thủy lợi cần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch và dân chủ trong mỗi bước đi để tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Như vậy, đòi hỏi cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa huyện, xã và đặc biệt là với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Nêu làm tốt được công tác đó, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi sẽ là một định hướng đi đúng cần được khuyên khích.