Những bước đi ban đầu
Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) lâu nay trở thành điểm thu hút khách du lịch khi nơi này mang đậm dấu ấn nền văn hóa tiêu biểu đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng. Khá nhiều sản phẩm du lịch được hình thành phục vụ nhu cầu tham quan của khách, song đáng chú ý hơn cả là sản phẩm du lịch homestay (du lịch cộng đồng) đưa du khách, đặc biệt là khách nước ngoài sinh hoạt, trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, dịch vụ cùng người dân. Khách đến Đường Lâm có thể được ăn nghỉ, sinh hoạt cùng người dân ở những ngôi nhà, tham gia làm bánh kẹo, đi cấy lúa, bắt cá, thu hoạch nông sản, đạp xe tham quan làng cổ…
Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, dù mô hình du lịch cộng đồng đã xuất hiện nhiều năm ở làng cổ Đường Lâm nhưng do tính chuyên nghiệp và công tác quảng bá chưa nhiều nên mới có một lượng nhất định khách tham gia.
Ngoài làng cổ Đường Lâm, nhiều địa phương khác của Hà Nội cũng phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa như: Làng Cựu (huyện Phú Xuyên), làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Ðức), làng chè Ba Trại, làng thuốc nam người Dao (huyện Ba Vì)... Trên cơ sở cơ sở vật chất sẵn có, nhiều gia đình đầu tư thêm một phần chỉnh trang nhà ở, trang trí khuôn viên, tổ chức thêm một số dịch vụ nhà nông để đón khách.
Mô hình homestay của gia đình bà Đinh Thị Hảo ở thôn 9, xã Ba Trại, huyện Ba Vì với khuôn viên rộng rãi, những mái nhà tranh, tường đắp đất nằm giữa vườn cây khiến nhiều người thích thú. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu các loài cây cối trong vườn, cùng gia đình chuyện trò, nấu nướng, thưởng thức các món ăn địa phương hay chăm sóc đà điểu, lợn, gà…
Ngoài ra, du khách còn có thể được trải nghiệm việc hái chè, gặt lúa cùng người dân hay đạp xe thăm Vườn Quốc gia Ba Vì cách đó không xa. Tuy mới hoạt động được 3 năm nhưng mô hình du lịch cộng đồng của gia đình bà Hảo đã hoạt động khá ổn định với lượng khách trung bình khoảng 20 - 50 khách/ tháng. Đối tượng khách tới đây khá đa dạng như khách nước ngoài đến từ các nước Mỹ, Canada…; khách nội địa là học sinh, sinh viên hay các gia đình. Theo bà Hảo, homestay đã mang lại cho gia đình bà nguồn thu nhập ổn định và cao hơn từ 7 - 10 lần so với trước đây chỉ trồng chè.
Xã Ba Vì nằm dưới chân núi Ba Vì có 80% dân số xã biết và sống bằng nghề thuốc nam gia truyền. Ông Triệu Sinh Vượng, một lương y của thôn Yên Sơn, xã Ba Vì cho biết: Nghề làm thuốc nam của người có từ lâu đời, người dân tự tìm ra những bài thuốc để chữa bệnh cho mình. Hiện nay, nghề thuốc nam không chỉ để chữa bệnh mà còn phát triển mạnh mẽ với các dịch vụ phục vụ du lịch như tắm lá thuốc người Dao rất được du khách ưa chuộng. Cũng từ đây, đời sống của các hộ người Dao ở Ba Vì được cải thiện đáng kể, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng nghề thuốc.
Không thể phủ nhận hiệu quả mà du lịch cộng đồng đã đem lại cho người dân và các địa phương, đó là tạo việc làm ổn định, phát triển các không gian sản xuất nông nghiệp, làng nghề, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với hoạt động trình diễn phục vụ du khách. Bên cạnh đó, hoạt động này đóng góp cho kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.
Với Hà Nội, nơi có khu vực ngoại thành rộng lớn, việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho thành phố mà tăng thêm nhiều lợi ích cho địa phương và người dân. Điều quan trọng, Hà Nội có thể khai thác được những lợi thế du lịch vùng ngoại thành, tạo thế cân bằng giữa khu vực nội thành và ngoại thành, thay vì chỉ tập trung phát triển tại khu vực trung tâm như trước kia.
Hướng tới sự chuyên nghiệp
Dù đã xuất hiện những năm gần đây song du lịch cộng đồng tại Hà Nội mới manh mún, chưa có đầu tư bài bản. Những yếu tố đó đã khiến du lịch cộng đồng có tiềm năng phát triển nhưng chưa mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, giá tour thấp, chưa mang lại lợi nhuận tương xứng cho người dân cũng như địa phương để tạo nên sự phát triển bền vững.
Nhiều địa phương mới quan tâm đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và người dân mà thiếu hẳn đi vai trò của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, cơ quan quản lý chỉ ban hành chính sách, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho người dân địa phương, nhưng để phát triển hơn, rất cần cái nhìn thực tế và sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp để giúp người dân làm du lịch một cách chuyên nghiệp, bài bản, tạo nên lợi nhuận, giá trị gia tăng cho điểm đến và sản phẩm.
Vì vậy để du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm đặc sắc, thu hút khách, rất cần những cách làm mới của địa phương cũng như người dân; hơn cả là sự đầu tư bài bản của các cơ quan chức năng cũng như sự phối kết hợp của doanh nghiệp. Để tạo điều kiện tốt hơn cho các hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản và các doanh nghiệp du lịch hướng dẫn các hộ phát triển sản phẩm cung cấp cho khách, tổ chức cho các hộ dân học tập mô hình du lịch cộng đồng ở các nơi khác. Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm đang xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển các mô hình du lịch – dịch vụ ở xã Đường Lâm. Đây cũng là yếu tố để địa phương phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hải huyện Ba Vì chia sẻ việc phát triển các mô hình du lịch học đường, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp với nghề truyền thống đã giúp người dân bản địa có những khởi sắc đáng kể. Du lịch cộng đồng sẽ là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo mà huyện chú trọng phát triển hơn nữa trong thời gian tới thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp du lịch liên kết với các trang trại nông nghiệp phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Hiện, ngành Du lịch Hà Nội đang có những quan tâm đến phát triển du lịch vùng ngoại thành, trong đó có du lịch cộng đồng. Đó cũng là cơ sở tốt để loại hình du lịch này khẳng định được vị thế, bản sắc, góp phần thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.