Hà Nội giữ vững nhịp tăng trưởng, hướng tới một thành phố văn minh, xứng tầm Thủ đô

Kinh tế - xã hội Hà Nội vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng vững chắc, trở thành một trong những đầu tầu phát triển của cả nước.

Cải thiện môi trường đầu tư

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; thu hút đầu tư tiếp tục tăng mạnh; các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động tốt, đảm bảo cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh; giá cả hàng hóa và dịch vụ cơ bản ổn định; công nghiệp, thương mại và du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ; nông nghiệp phát triển tốt, hướng vào năng suất, chất lượng...

Chú thích ảnh
Tuyến đường Giải Phóng với cầu vượt Ngã Tư Vọng.

Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê, GRDP trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay ước tăng 7,17% (cùng kỳ 6,87%). Trong đó, dịch vụ ước tăng 7,11% (cùng kỳ 6,48%); Công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,81% (cùng kỳ: 8,18%); Nông - lâm - thủy sản ước tăng 3,37% (cùng kỳ 2,34%). Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, ước 9 tháng đạt 10,51 tỷ USD, tăng 21,6% (cùng kỳ: 8,7%). Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 22,49 tỷ USD, tăng 6,5%, thấp hơn mức cùng kỳ (22,6%). Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhất là khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã đón 19,7 triệu lượt khách, tăng 9,2%, trong đó 4,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 57,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%.

Việc thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo toàn diện. Thành phố Hà Nội đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đồng thời tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Thành phố đã tổ chức rà soát, phân loại để xử lý các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất chậm triển khai thực hiện gây bức xúc trong nhân dân.

Theo đó, tổng vốn đầu tư xã hội 9 tháng đầu năm ước thực hiện 219,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,265 tỷ USD, gấp 5,4 lần cùng kỳ, tạm vượt lên đứng đầu cả nước. Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 70 dự án, tổng mức đầu tư 162,7 nghìn tỷ đồng; có 41 dự án điều chỉnh quy mô vốn, tăng 86,3 nghìn tỷ đồng. Đối với các dự án PPP, TP đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 4 dự án, tổng mức đầu tư 14,4 nghìn tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án, tổng mức đầu tư 13,9 nghìn tỷ đồng.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, chiếu sáng công cộng và vệ sinh môi trường. Tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch khu vực 12 quận nội thành đạt xấp xỉ 100%, khu vực ngoại thành đạt 52%. Công tác hạ ngầm được đổi mới theo hướng cho phép DN đầu tư, khai thác các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung. Chương trình trồng 1 triệu cây xanh được đẩy nhanh tiến độ; lũy kế đến nay trồng được 845,4 nghìn cây, đạt 84,5% mục tiêu Chương trình.

Trong công tác cải cách hành chính có chuyển biến toàn diện; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2017 tăng 2 bậc, xếp thứ 56/63 tỉnh, TP. TP đã vận hành thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP tại 6 sở, quận, huyện... Đã có 552/1.883 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt 29,3%. TP tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, hợp tác để xây dựng chính quyền điện tử và TP thông minh...

Tăng cường kỷ cương và văn minh đô thị

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội. Đây là một nội dung rất mới, phức tạp và được TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ trong năm 2018, mà cả nhiệm kỳ. Mục tiêu là phải xây dựng được mô hình chính quyền đô thị của TP tự chủ, năng động, có tính khả thi; tổ chức bộ máy, cán bộ phải gọn nhẹ và hiệu quả, hiệu lực.

Chú thích ảnh
Nhiều chung cư cao tầng mọc lên.

Các quận huyện khẩn trương rà soát, đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ của "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hoạt động của hệ thống chính trị" để hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm giữa nhiệm kỳ; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm 2019, trong đó cần lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả.

Bí thư Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu, các sở ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị. Nhằm khắc phục một cách căn bản những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà chung cư, Thành ủy đang chỉ đạo xây dựng Nghị quyết chuyên đề về quản lý chung cư để ban hành và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Thành phố đôn đốc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của thành phố, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, sắp tới, thành phố sẽ đưa vào hoạt động một số công trình dự án như cầu vượt An Dương, Nhà máy nước sạch sông Đuống - đều là những dự án người dân mong mỏi, mất nhiều công sức để thực hiện. Cuối năm nay, thành phố khởi công nhà máy xử lý rác 4.000 tấn ở khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Xuân Sơn, Đồng Ké, các nhà máy nước mà thành phố đã quyết định; trước hết phối hợp Bộ Giao thông Vận tải để tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông... Đây là một loạt các dự án mà khi đưa vào hoạt động, thấy giải quyết được những khó khăn trong vấn đề đô thị hiện nay, do đó, cán bộ viên chức Hà Nội càng thấy trách nhiệm lớn hơn, có thêm động lực cố gắng hơn nữa.

 

XM/Báo Tin tức
Hà Nội định hướng xây dựng thành phố thông minh theo hướng nào?
Hà Nội định hướng xây dựng thành phố thông minh theo hướng nào?

Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều thách thức trong vấn đề quy hoạch, xử lý ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở và xử lý ô nhiễm môi trường...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN