Hà Nội đối mặt nhiều dịch bệnh

Cùng một lúc, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan như: Cúm, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng.


Diễn biến phức tạp


Theo đại diện Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội, đang là thời điểm thuận lợi cho việc lây lan nhanh bệnh tay chân miệng, các bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết (SXH). Ngoài ra, trong vòng 2 tuần trở lại đây, số ca bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn Thủ đô cũng tăng mạnh.

Nhân viên y tế phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (HN) hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Dương Ngọc- TTXVN


BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), cho biết: Trong vòng 2 tuần gần đây, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị do đau mắt đỏ tại BV tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 người đến khám bệnh đau mắt đỏ tại BV. Nhiều trường hợp cả gia đình đều bị lây bệnh. Ước tính, số ca đau mắt đỏ chiếm gần 20% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về mắt.

Biện pháp tốt nhất chủ động phòng tránh những dịch bệnh nêu trên là giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Các hộ gia đình cần tăng cường vệ sinh môi trường, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường. Riêng với bệnh SXH thì cần chú ý diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, loại bỏ ổ chứa nước đọng...


Bên cạnh dịch đau mắt đỏ, số liệu mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (TTYTDP HN) cho thấy: Số bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay là trên 700 người, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2012. Trung bình mỗi tuần, Hà Nội ghi nhận 70 - 90 trường hợp mắc SXH. Các ca bệnh xuất hiện rải rác tại 178 xã/phường, trong đó tập trung đông tại các quận, huyện Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên…


Điểm đáng lưu ý là nếu như mọi năm ở Hà Nội chỉ lưu hành 2 type vi rút SXH, thì năm nay xuất hiện cùng một lúc cả 4 type, gồm D1, D2, D3 và D4. Vì yếu tố lây truyền bệnh gia tăng, nên khá nhiều bệnh nhân vừa được chữa khỏi 1 type vi rút SXH này, thì lại mắc phải type vi rút SXH khác. Bởi vậy, các chuyên gia dịch tễ đang lo ngại số ca mắc SXH tại Thủ đô sẽ còn tăng cao, vì tháng 10 - 11 mới là “đỉnh” của dịch bệnh này.


Đặc biệt, mùa thu - đông cũng là thời điểm thường gia tăng các ca mắc bệnh cúm (cúm B, A/H1N1, H3N2...). Ghi nhận của TTYTDP cho thấy, các ca bệnh trong thời gian gần đây chủ yếu mắc vi rút cúm A/H1N1, A/H3N2. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, khẳng định, trước đây cúm A/H1N1 được xếp vào cúm đại dịch nhưng hiện nay đã trở thành một loại cúm mùa, sẽ lưu hành thường xuyên. Do đó, người dân không nên hoang mang khi đón nhận thông tin nhiều người mắc cúm A/H1N1. Điều quan trọng là cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.


Phòng hơn chống


Xác định rõ nguy cơ thời gian tới có thể bùng phát dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, các bệnh cúm (A/H5N1, A/H1N1, cúm mùa…), mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, khẩn trương triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh.


UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và làm tốt công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh dịch. Tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, duy trì mạng lưới cộng tác viên SXH ở các xã, phường trọng điểm về SXH với mục tiêu khống chế các ổ dịch cũ, phát hiện sớm ca bệnh mới để xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, có biện pháp dự phòng, chủ động xử lý tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để dịch lây sang người.


Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội chỉ đạo các trường học tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường; duy trì hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống dịch hàng tuần: Vệ sinh trường, lớp, vệ sinh đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ (ở các trường mầm non).


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN