Trước thực trạng trên, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội quyết định công khai 500 doanh nghiệp nợ bảo hiểm quá 3 tháng.
Việc Công ty CP ôtô Xuân Kiên Vinaxuki nợ tiền bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong công ty. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Theo đó, đứng đầu là Công ty Cổ phần Lilama 3 với số tiền nợ bảo hiểm lên tới hơn 27 tỷ đồng, thời gian nợ 55 tháng. Tiếp theo là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment, nợ 22,151 tỷ đồng. Đứng thứ ba trong danh sách các đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội là Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki với số tiền nợ 16,839 tỷ đồng…
Theo ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, 500 doanh nghiệp nợ bảo hiểm kể trên đã vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh - xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian tới, cùng với việc đăng tải công khai tên, địa chỉ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu nợ khác. Theo đó, ngoài việc khởi kiện ra tòa, Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với cơ quan Công an, Thuế, Liên đoàn Lao động, chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp để thu hồi nợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Bảo hiểm xã hội Hà Nội xác định thời gian từ 1/8 đến hết tháng 10/2017 là cao điểm trong thu hồi nợ. Trên địa bàn thành phố hiện có 55.747 đơn vị đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trong đó hơn 48.000 đơn vị là doanh nghiệp với trên 1,4 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.