Hà Nội cần tập trung cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Đó là chỉ đạo của bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội tại hội nghị giao ban quý II về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 được tổ chức chiều 12/7.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, để khắc phục hạn chế và đạt được mục tiêu đề ra, Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực ngành nông nghiệp từ thành phố đến cơ sở về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để hình thành vùng chuyên canh, chuyên cư để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của nhân dân Thủ đô.

Để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới, bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ rõ, các huyện, thị xã cần chỉ đạo các xã rà soát điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã đã được phê duyệt và bổ sung quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch Kiến trúc. Đồng thời cây xã tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch duy trì, phát triển các tiêu chí đã đạt và rà soát, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã cũng cần chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện những tiêu chí còn chưa đạt và cơ bản đạt.

Riêng hai huyện Gia Lâm và Phúc Thọ đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, cần chỉ đạo các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, tổ chức thực hiện các tiêu chí hiện nông thôn mới theo quy định, phấn đấu cuối năm 2017 hoàn thành hồ sơ đề nghị thành phố Ban chỉ đạo Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong 2 quý đầu năm, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực khi giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ thương mại. 

Đồng thời đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao hay một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân như: Chuỗi rau an toàn ở Hợp tác xã rau quả sạch Trúc Sơn, Chương Mỹ, chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà đồi, chuỗi sản xuất và tiêu thụ hoa nhà Sóc Sơn, chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao tại huyện Ứng Hòa... Nhờ vậy, thu nhập và đời sống của nhân dân ngày một được cải thiện, an ninh trật tự an toàn xã hội nông thôn ngày được củng cố.

Lý giải về nguyên nhân nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trước hết nông nghiệp Hà Nội vẫn còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phạm vi gia đình. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế, năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa xứng tầm nông nghiệp Thủ đô của cả nước. Ngoài ra, công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương vẫn còn thụ động và hạn chế. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới và còn trông chờ ỷ lại vào cấp trên, chưa chủ động, sáng tạo.

Đến nay, Hà Nội đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 78.748,3/76.281,6 ha, vượt 2.466,7 ha so với kế hoạch thành phố giao. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông dân cũng đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Toàn thành phố cũng đã cấp được 611.370/625.257 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng 158 giấy so với quý I/2017. Trong đó có một số địa phương đã hoàn thành 100% như huyện Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thạch Thất...

Hà Nội đang thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, với nhiều tiêu chí cao hơn so với trước đây nhưng nhiều xã đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có các tiêu chí đạt tăng thêm so với quý I như: Giao thông tăng 6 xã, thủy lợi 13 xã, cơ sở vật chất văn hóa 5 xã, hộ nghèo tăng 8 xã... Không còn xã nông thôn mới nào đạt 10 tiêu chí.

Các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều đã và đang quan tâm chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó huyện Đan Phượng là huyện đã được công nhận là huyện nông thôn mới. Ban chỉ đạo huyện đã có đề án nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới đối với toàn bộ các xã trong huyện trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt đã đang chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã Long Phượng, Đan Phượng và Liên Trung theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

TTXVN/Tin Tức
Nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng
Nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng

Nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư dài. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp lại hay gặp rủi ro nên các ngân hàng thận trọng khi cho vay. Do vậy, việc tiếp cận nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao còn rất thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN