Theo Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường, trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất của thành phố Hà Nội khoảng 8,4 triệu m3/ngày, trữ lượng khai thác dự báo khoảng 2,7 triệu m3/ngày. Song việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn, thiếu quy hoạch, không có sự quản lý của nhà nước kéo dài đã dẫn đến những biểu hiện suy thoái về nguồn nước dưới đất ở một số nơi, nên rất cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững. Tại các vùng thuộc thành phố Hà Nội hiện vẫn duy trì 3 hình thức khai thác nước dưới đất, đó là khai thác tập trung, khai thác đơn lẻ và khai thác cấp nước vùng nông thôn. Trong đó, hình thức khai thác nước dưới đất ở vùng nông thôn lên tới 800.000 giếng khoan đường kính nhỏ, khoảng 40 giếng khoan cấp nước tập trung cho các cụm dân cư, có thể gây nguy cơ làm nhiễm bẩn nguồn nước dưới đất.
Hình minh họa. Ảnh: Internet. |
Việc khai thác nước tập trung được thực hiện vào tầng chứa nước Pleitocen (qp), tuy trước khi xây dựng bãi giếng đều được tiến hành thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất, song cũng chỉ cấp giấy phép cho 9/21 bãi giếng, lưu lượng nước khai thác trên thực tế chiếm tới 69,2% lưu lượng được cấp phép. Còn hình thức khai thác nước đơn lẻ thì việc khảo sát theo lối chủ quan, số lượng giếng lớn nhưng lưu lượng khai thác nhỏ, công nghệ xử lý nước ở đại đa số các hộ đều rất thô sơ.
Với 3 hình thức trên, tổng số lượng nước dưới đất thuộc Hà Nội hiện khai thác 1.800.000 m3/ngày, nhưng chỉ có 42,9% công trình đang khai thác nước tập trung và 2,3% công trình khai thác nước đơn lẻ được cấp phép. Do đó dẫn tới có tình trạng như Nhà máy nước Nguyễn Khê ở huyện Đông Anh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác 10.000 m3/ngày từ năm 2005, nhưng khi xây dựng xong thì không khai thác được, do không có địa chỉ tiêu thụ. Bởi các nhà máy và xí nghiệp quanh khu vực Nhà máy nước đã tự khoan khai thác mà không cần xin phép cơ quan chức năng.
Vì vậy, thành phố Hà Nội cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để lập lại trật tự kỷ cương khai thác tài nguyên nước dưới đất theo đúng quy định, cũng như thực hiện cấp phép khai thác của Luật Tài nguyên nước. Qua đó đình chỉ các công trình khai thác nước không hợp lý, hoặc làm suy thoái nguồn nước dưới đất, đồng thời đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá, thăm dò, nhằm xác định chính xác trữ lượng nước dưới đất và lập quy hoạch khai thác sử dụng hợp lý; theo dõi, giám sát thường xuyên sự biến đổi về trữ lượng, chất lượng nước dưới đất định kỳ trên mạng lưới cố định.
Văn Hào