Ngày 26/1, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” theo Đề án GrabCar.
Trong thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như: GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, AdTOS, Vrada hay VinasunApp. Điều này phản ánh xu thế phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông vận tải của quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này cũng bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
GrabCar được thí điểm tại 5 thành phố lớn. |
Theo Bộ GTVT, Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Công ty TNHH GrabTaxi, là một đề án huớng đến việc kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật, tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai, đặc biệt là sàn giao dịch vận tải; đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh.Bộ GTVT đã lấy ý kiến các cấp trung ương, địa phương và đã ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết: “Việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm GrabCar là căn cứ thực tiễn quan trọng để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến các dịch vụ công nghệ thông tin hỗ trợ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch. Với ứng dụng này, những thông tin về hợp đồng vận tải sẽ được cung cấp đầy đủ cho cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khả năng giám sát, phân biệt rõ giữa hoạt động vận tải hợp đồng, vận tải khách du lịch và vận tải theo tuyến cố định, khắc phục triệt để tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe tuyến cố định, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông Bên cạnh đó, ứng dụng sẽ giúp đơn vị vận tải tối ưu hoá hành trình phương tiện, giảm giá thành vận tải, nâng cao sức cạnh tranh đồng thời giảm chi phí vận tải cho hành khách…”
Đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Vương Ngọc Tuấn cũng đánh giá: “Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử của Bộ GTVT là một trong những chính sách đề cao lợi ích của người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Đề án này sẽ giúp thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường vận tải hành khách và mang lại nhiều sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng. Cạnh tranh luôn là động lực tốt nhất để thúc đẩy việc giảm giá, cuối cùng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.”
Trước mắt, Đề án GrabCar sẽ được triển khai tại 5 tỉnh thành phố, gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa trong vòng 2 năm (1/2016 – 1/2018). Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối xe hợp đồng khác phải tùy vào tính chất, đặc điểm riêng cụ thể để có đề án thí điểm riêng. Trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để đánh giá kết quả và xem xét việc nhân rộng Đề án trên phạm vi cả nước. Cho tới nay, Công ty TNHH GrabTaxi, với ứng dụng GrabCar là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối đầu tiên và duy nhất được công nhận đủ điều kiện thực hiện Đề án.