Gỡ vướng cho lao động nước ngoài tại Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề thực hiện thủ tục liên quan đến cấp phép lao động, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH)cho lao động người nước ngoài.

Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP Hồ Chí Minh về chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp vào ngày 31/10.

Chú thích ảnh
Đại diện Sở, ban ngành lao động thành phố trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp.

Trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) cho biết, căn cứ Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật an toàn vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trường hợp là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động và ký hợp đồng lao động có thời hạn đủ một năm trở lên thì thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Trường hợp không có giấy phép lao động thì không đóng BHXH bắt buộc. Mức đóng BHXH hàng tháng đóng trên quỹ lương tháng của người lao động 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ ngày 1/1/2020, ngoài việc đóng vào quỹ ốm đau thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì hàng tháng người sử dụng lao động đóng 14%; người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Ngoài ra, theo bà Ánh, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo quy định thì phải có giấy phép lao động. Tuy nhiên, hiện nay, theo Thông tư 35 của Bộ Công Thương việc di chuyển trong 11 ngành dịch vụ sẽ được miễn cấp giấy phép lao động, tức là không thuộc diện cấp giấy phép lao động. "Di chuyển nội bộ phải hiểu theo hai vấn đề: Thứ nhất là di chuyển từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam, thứ hai là phải làm việc tại công ty mẹ ít nhất là 12 tháng thì mới đủ điều kiện di chuyển nội bộ và thủ tục này các doanh nghiệp phải chuyển cho Sở Lao động Thương binh Xã hội xác nhận là đối tượng này sẽ không thuộc cấp giấy phép lao động theo quy định", bà Ánh cho biết.

Chú thích ảnh
Đại diện một doanh nghiệp đặt câu hỏi liên quan đến lao động nước ngoài để các Sở, ban ngành giải đáp.

Trong khi đó, trả lời vướng mắc về mức hỗ trợ khi tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động nước ngoài nếu lỗi thuộc về người sử dụng lao động, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, người sử dụng lao động phải mua những loại bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Khi tai nạn lao động xảy ra, căn cứ vào kết luận điều tra, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường cho người lao động khi tai nạn lao động đó lỗi do người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ cho người lao động một khoản chi phí (thứ nhất) trích từ tiền của doanh nghiệp, khoản thứ hai nếu đã tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn bệnh nghề nghiệp thì sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả theo tỷ lệ thương tật.

Ngoài ra, tại hội nghị, các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện chế độ thai sản cho lao động nữ mới sinh con, thực hiện trợ cấp thôi việc cho người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ hưu theo đúng độ tuổi quy định… cũng được đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH TP Hồ Chí Minh giải đáp thỏa đáng cho doanh nghiệp.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội chất vấn: Doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình ngày càng lộ diện
Đại biểu Quốc hội chất vấn: Doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình ngày càng lộ diện

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ngày 30/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN