Cung - cầu chưa "gặp" nhau
Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2017), đến nay, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần 6.400 ha; trong đó có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 282.000 lao động. Đây là cơ hội tốt cho các lao động xuất khẩu sau khi trở về nước với hàng nghìn cơ hội làm việc tại quê hương, đặc biệt tại các khu công nghiệp, các công ty, nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Chuyết (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã từng làm việc tại Nhật Bản 4 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động trở về nước, anh được tuyển vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Enshu Sanko Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). “Tại nơi làm việc mới, tôi được phát huy tay nghề cũng như những kinh nghiệm làm việc ở Nhật Bản. Nhờ đó, mức lương của tôi được trả khá tương xứng, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và có vốn tích lũy”, anh Chuyết cho biết.
Tuy nhiên, anh Chuyết là một trong số ít lao động xuất khẩu về nước may mắn tìm được việc làm, phát huy được khả năng chuyên môn và trình độ trong công việc. Hiện nay, nhiều lao động sau khi trở về nước vẫn chật vật tìm việc làm, thậm chí có người phải bỏ hẳn nghề, chuyển hướng sang đầu tư kinh doanh buôn bán vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Anh Trương Đức Toàn, quê ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh về nước sau khi làm việc tại Arập Xêút 3 năm. Trở về Việt Nam, với số vốn tích lũy được, anh Toàn quyết định mở cửa hàng ăn, phục vụ công nhân, cán bộ khu công nghiệp ở gần nhà. “Hiện nay, vị trí công việc của tôi tại các công ty, lương trung bình khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với cùng vị trí và thời gian làm việc tại nước ngoài”, anh Toàn nói.
Tương tự anh Toàn, anh Đỗ Văn Phong, quê ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước đây khi ở Nhật, công việc của anh là làm nông nghiệp với mức lương khoảng 22 triệu đồng/tháng. Về nước được gần một năm nay nhưng anh Phong vẫn chưa tìm được việc làm. “Tôi đã chủ động đến các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu nước ngoài xin việc song mức lương quá thấp, chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Chưa kể, tôi cũng quen với tác phong làm việc công nghiệp, hệ thống làm việc đồng bộ, được trả lương xứng đáng nên khi về nước tìm được một công việc phù hợp với khả năng rất khó”, anh Phong nói.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Bắc Ninh có gần 7.700 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, chủ yếu tập trung tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Arập Xêút…; trong đó số lao động tập trung nhiều nhất tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 4.700 lao động.
Cũng vì tâm lý lo lắng không tìm được việc làm nên sau khi hết thời hạn hợp đồng nhiều lao động đã trốn ở lại nước sở tại, trở thành lao động bất hợp pháp. Hiện nay, Bắc Ninh vẫn còn lao động sau khi hết thời hạn ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, gây trở ngại cho việc quản lý, sử dụng lao động và chính sách xuất khẩu lao động giữa hai nước. Do đó, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động, thậm chí xử phạt để người lao động về nước đúng thời hạn, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp liên quan, tạo cơ hội việc làm để tái hòa nhập cho lao động xuất khẩu về nước.
Theo ông Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, lực lượng lao động xuất khẩu về nước có rất nhiều lợi thế khi xin việc như sử dụng ngoại ngữ thành thạo, được rèn luyện trong môi trường sản xuất công nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong cao. Đồng thời, đây cũng là lực lượng lao động trẻ, dễ có cơ hội tìm việc làm bởi mỗi năm các đơn vị ở tỉnh Bắc Ninh luân chuyển, tuyển mới khoảng 60.000 lao động.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy những thế mạnh của nguồn lao động có trình độ tay nghề. Mỗi năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm cho đối tượng lao động xuất khẩu về nước.
Trung bình, mỗi phiên giao dịch thu hút từ 300 - 400 lao động tham gia, trong đó 80% số người lao động tìm được việc làm. Tuy nhiên, số lao động được giải quyết việc làm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu lớn về lực lượng lao động trẻ có trình độ tay nghề của các khu công nghiệp, các công ty, tập đoàn nước ngoài tại tỉnh Bắc Ninh cũng như các tỉnh lân cận.
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung công tác hỗ trợ, đào tạo nghề cho các đối tượng khác nhau, trong đó có lực lượng lao động nông thôn. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp đến các sàn giao dịch việc làm tuyển dụng lao động.
Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kết nối lực lượng lao động sau khi hết hợp đồng làm việc có thời hạn ở nước ngoài trở về nước với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm, phát huy năng lực của người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bắc Ninh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh Bùi Ngọc Quang khẳng định.