Gắn bó với nghiên cứu vật liệu
Công tác tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam một thời gian dài, đảm nhận cương vị Phó Hiệu trưởng năm 2016 và Hiệu trưởng năm 2019, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Mai Thanh đã dẫn dắt trường phát triển bền vững và mở rộng.
Trong suốt 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Mai Thanh và Ban Giám hiệu, USTH đã có những bước tiến vượt bậc trong đào tạo và nghiên cứu, tiếp tục khẳng định là lá cờ đầu trong mối quan hệ hợp tác giáo dục, nghiên cứu giữa hai nước Việt Nam - Pháp.
Tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Hóa lý - Hóa phân tích tại Trường Đại học Paris VI, Cộng hòa Pháp, chuyên ngành nghiên cứu tổng hợp vật liệu và lớp phủ có khả năng bảo vệ chống ăn mòn cho nền thép CT3 trong các môi trường khác nhau; nghiên cứu tổng hợp vật liệu ứng dụng trong xử lý môi trường và vật liệu y sinh trên cơ sở Hydroxyapatite, đến nay, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Mai Thanh đã công bố 189 bài báo khoa học, trong đó có 54 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín trong hệ thống tạp chí khoa học Mỹ-SCIE, 4 bài báo trong hệ thống tạp chí khoa học Mỹ-ESCI và 9 bài báo trong hệ thống cơ sở dữ liệu Hà Lan-Scopus. Chị được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế của Việt Nam, xuất bản 3 sách chuyên khảo và 2 sách tham khảo thuộc nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế.
Bên cạnh công tác nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Mai Thanh còn tham gia giảng dạy và hướng dẫn nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Công nghệ và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong quá trình công tác, chị đã nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen, tiêu biểu như: Giải thưởng thanh niên năm 2005, Giải thưởng UNESCO - L’OREAL Vietnam National Fellowship for Women in Science năm 2010, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020, Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bận rộn với công tác quản lý song Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Mai Thanh vẫn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết với công việc nghiên cứu và giảng dạy. Năm 2023, chị đã chủ trì 4 đề tài, dự án nghiên cứu; là tác giả và đồng tác giả của 12 công bố, trong đó 9 công bố trên tạp chí quốc tế SCIE và là chủ biên của 1 cuốn sách chuyên khảo.
Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Mai Thanh chia sẻ, là phụ nữ làm nghiên cứu khoa học sẽ có rất nhiều khó khăn như cân đối giữa công việc gia đình và công việc chuyên môn. Tuy nhiên, việc được đào tạo bài bản trong môi trường khoa học có chất lượng cao đã giúp chị luôn cố gắng hoàn thành công việc. Chị luôn hướng tới mục tiêu xuyên suốt là chuyển giao được các kết quả nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu vào thực tế, giúp Trường USTH trở thành địa chỉ uy tín về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Nhờ những nỗ lực bền bỉ và thành tích nổi bật trong công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng USTH đã được Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam trao tặng giải thưởng “Gương mặt của năm 2023”.
Truyền "lửa" đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, công tác tại Viện Nghiên cứu con người thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), là một trong những nhà khoa học nữ nổi bật trong lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn. Với gần 20 năm làm giảng viên tại Học viện Tài chính, chị có nhiều cơ hội nghiên cứu về hành vi nhà kinh doanh, nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu. Cũng chính nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về các khía cạnh xã hội đã đưa chị đến với một chặng đường mới: Nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn. Năm 2020, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê được phân công làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người.
Chia sẻ về quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết, trong khi các cuộc khủng hoảng kinh tế thường có thể được khắc phục trong vài năm, khủng hoảng xã hội lại có thể kéo dài hàng thập kỷ hoặc thậm chí không thể phục hồi. Điều này thúc đẩy chị khám phá vai trò quan trọng của khoa học xã hội nhân văn, nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội. “Tôi nhận thức được rằng, trong khi những khủng hoảng kinh tế có thể đo được bằng tiền bạc, thì những khủng hoảng xã hội là vô giá và ảnh hưởng lâu dài”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê nói.
Công việc tại Viện Nghiên cứu con người đã thay đổi góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê về cuộc sống và nghiên cứu. Trước đây, khi nghiên cứu về tài chính, chị thường phỏng vấn các chuyên gia trong môi trường làm việc hiện đại, tiếp xúc với những cá nhân điều hành các quỹ đầu tư lớn. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang nghiên cứu về các nhóm yếu thế trong xã hội, chị mới thấm thía hơn về sự bất bình đẳng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê chia sẻ: “Chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều người và có quyền được phát triển các năng lực của mình. Điều quan trọng hơn cả là làm sao để những nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp nhiều người khác trong xã hội cũng có quyền được học tập, lựa chọn, theo đuổi và cống hiến”.
Một trong những thành tựu mà Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê cảm thấy tâm đắc nhất là Viện Nghiên cứu con người đã tổ chức thành công chuỗi các hội thảo khoa học thường niên về nghiên cứu con người. Đây là minh chứng cho quá trình nghiên cứu con người đã trở thành một ngành khoa học độc lập ở Việt Nam. Hội thảo tổ chức cuối tháng 9 vừa qua với chủ đề: “Nâng cao chất lượng cuộc sống vì mục tiêu phát triển con người” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành.
Hội thảo đã trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau cùng thảo luận và chia sẻ các nghiên cứu về chất lượng cuộc sống. "Đây không chỉ là cơ hội để trao đổi tri thức mà còn giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sống cho con người. Kết quả nổi bật của hội thảo là việc các nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn gắn liền với thực tiễn, cung cấp các giải pháp hữu ích cho các vấn đề xã hội hiện tại như chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục ở những khu vực khó khăn, các biện pháp hỗ trợ nhóm yếu thế",
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết. Chị đánh giá, những nội dung này giúp định hình các chính sách xã hội hướng tới sự công bằng và phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các chính sách xã hội hiệu quả. Sự phối hợp này không chỉ làm tăng tính khả thi của các nghiên cứu mà còn tạo ra những giá trị thực tiễn cho cộng đồng.
Nữ khoa học trẻ đam mê văn hóa - lịch sử Trung Quốc
Say mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là văn hóa - lịch sử Trung Quốc, đến nay, Tiến sỹ Trần Thị Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu văn hóa - lịch sử, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã sở hữu hơn 30 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước. Năm 2024, Tiến sĩ Trần Thị Thủy đã vinh dự nhận được giải thưởng "Gương mặt trẻ có thành tích tiêu biểu trong hoạt động khoa học" của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Xuất phát là sinh viên chuyên ngành Trung Quốc học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2010, Tiến sỹ Trần Thị Thủy đã bắt đầu những ngày tháng làm công tác nghiên cứu khoa học đầu tiên tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc.
Đam mê khoa học, đặc biệt là nghiên cứu văn hóa - lịch sử của Trung Quốc đã thôi thúc nhà khoa học trẻ này tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn để có thể phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa và lịch sử hai nước Trung Quốc - Việt Nam. Xuất phát từ đề tài nghiên cứu “Chính sách phát triển sản nghiệp văn hóa của Trung Quốc từ năm 1978 đến 2009” cho Luận văn Thạc sĩ châu Á học, Trần Thị Thủy đã tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này ở bậc cao hơn là nghiên cứu sinh Tiến sỹ.
Với Luận án Tiến sỹ Trung Quốc học “Sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng sức mạnh mềm” bảo vệ năm 2018, Trần Thị Thủy đã được các thầy cô trong Khoa Trung Quốc học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như các thầy cô trong Hội đồng bảo vệ các cấp, đánh giá rất cao.
Gần 15 năm qua, ngoài việc công bố các sản phẩm khoa học cá nhân trên các tạp chí khoa học uy tín, chị đã vô cùng tích cực trong việc tham gia các đề tài nghiên cứu các cấp, thực hiện các báo cáo nhanh theo yêu cầu của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Đứng trước một vấn đề nghiên cứu hấp dẫn, thú vị - nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, Tiến sỹ Trần Thị Thủy luôn tâm niệm rằng, cần phải giữ trong mình một trái tim nóng với tình yêu khoa học, sự nhiệt huyết tìm tòi, năng lượng thật tích cực cùng với đó là một khối óc lý trí để suy xét, nghiên cứu vấn đề thật khách quan, toàn diện.
Vừa nghiên cứu khoa học, vừa phải hoàn thành nghĩa vụ với gia đình, Tiến sỹ Trần Thị Thủy chia sẻ: “Đối với một nhà khoa học nữ, ngoài thiên chức người vợ, người “giữ lửa” trong gia đình, họ cần trải qua nhiều quá trình tích lũy, học hỏi không ngừng để đạt những thành quả cao trong nghiên cứu”.
Không chỉ dừng lại trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Trần Thị Thủy còn nỗ lực tham gia hoạt động giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sự tiếp xúc với các bạn sinh viên, học viên giúp chị tăng thêm nhiều năng lượng, nhiệt huyết hơn với vai trò "người chở những chuyến đò tri thức".Với những định hướng và nguyên tắc thực sự nghiêm túc trong công việc, Tiến sỹ Trần Thị Thủy tiếp tục những bước đi dài hơn trên con đường mà chị đã lựa chọn và theo đuổi.