Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2017-2021) với tổng kinh phí 9 tỷ đồng. Đến giữa tháng 4/2017 dự án đã bắt đầu triển khai nhưng khó khăn vẫn còn phía trước.
Sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua tỉnh Tây Ninh có chiều dài khoảng 105 km, hàng năm cứ khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, vào cao điểm mùa khô, khi dòng nước cạn kiệt, lục bình lại sinh sôi, nảy nở rất nhanh, khiến cho tàu bè không đi lại được trên đoạn sông này. Đời sống người dân, nhất là người làm nông nghiệp, vận chuyển lúa thóc, nuôi trồng thủy sản rất khó khăn.
Trục vớt lục bình đoạn Bến Cây Ổi, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành. |
Neo xuồng bên cạnh cầu Bến Sỏi, thuộc ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, trên mặt nước bị phủ kín lục bình, anh Lê Quốc Trung cho biết, do nguồn nước sông mùa khô bị ô nhiễm nặng, theo đó lục bình cũng phát triển rất mạnh, nên ghe xuồng vận chuyển ở đây đều phải neo một chỗ, không làm được gì, còn bè nuôi cá của bà con cũng đành phải tháo dỡ hết, do lục bình phủ kín, thiếu o xy chết gần hết.
Ông Nguyễn Văn Oanh, là tài công của phà Bến Cây Ổi (ấp Cây Ổi, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành) cũng cho biết, do lục bình ở đây thường xuyên phủ kín mặt sông, phà đưa đón khách đi rất chậm, nên chi phí xăng dầu qua lại cũng tốn kém gấp đôi, thường thì 5 lít/ngày, nhưng hiện nay phải tốn đến 10 lít/ngày.
Ông Trịnh Văn Lo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh cho biết, cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh Tây Ninh đã giao cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh tìm hướng xử lý lục bình, để đảm bảo cho bà con đi lại thuận lợi trên sông. Qua nhiều năm, thực hiện thì hiệu quả chưa được như mong muốn.
Gần đây nhất, từ năm 2015, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như cùng các huyện ven sông vận động bà con tháo gỡ đăng, lưới ven sông, tạo thông thoáng để đẩy đuổi lục bình từ thượng nguồn, kênh rạch xuống vùng hạ du mỗi khi nước lớn.
Năm nay, sau khi xem xét kỹ lưỡng phương án, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Huỳnh Vương đảm trách công việc trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua tỉnh Tây Ninh. Trong đó Công ty Huỳnh Vương phải cam kết bảo đảm thông thoáng lòng sông cho tàu thuyền qua lại.
Theo đó, công ty phải thường xuyên bố trí nhiều phương tiện trục vớt đồng bộ như xáng cạp, xà lang, bãi tập kết... tại 4 "điểm đen" thường có lục bình ùn ứ dày đặc là: khu vực Bến phà Cây Ổi, khu vực cầu Rạch Rễ (xã Trường Đông, huyện Hòa Thành), khu vực 2 huyện Gò Dầu và Trảng Bàng để trục vớt lục bình....
Toàn bộ số lục bình trục vớt trên sông Vàm Cỏ Đông sẽ được ủ làm phân bón. |
Ông Trịnh Văn Lo cho biết, do mới triển khai, nên cần phải có thời gian để đánh giá kết quả. Trước đây có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đưa ra nhiều phương án như trục vớt bằng băng tải, văng dây, đẩy đuổi... với kinh phí đưa ra khoảng 5 tỷ đồng/năm, nhưng các biện pháp kể trên tỉnh thấy đều không khả thi.
Sau khi khảo sát thực tế và cân đối nguồn ngân sách, tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Huỳnh Vương thực hiện với kinh phí khoảng 1,9 tỷ đồng/năm (theo dự án, thời gian 5 năm, từ năm 2017-2021 là 9 tỷ đồng) để thực hiện việc trục vớt và xử lý lục bình, với phương án tập trung phương tiện trục vớt ở những điểm đen, những khúc cua, cong... nhằm bảo đảm xử lý khoảng 70% lượng lục bình trên sông. Ông Lo hy vọng với phương án này, vào mùa mưa tới dòng sông Vàm Cỏ Đông sẽ được thông thoáng hơn.
Nói về khó khăn hiện nay, ông Trịnh Văn Lo cho biết, nếu có hướng xử lý đầu ra cho lục bình sau khi trục vớt thì chi phí sẽ giảm, doanh nghiệp mới có lời. Tiếp đến là hiện con sông Vàm Cỏ Đông do Trung ương, cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhưng vấn đề xử lý lục bình lại giao toàn bộ cho địa phương.
Vì vậy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh Trịnh Văn Lo kiến nghị, Trung ương cũng có trách nhiệm trong vấn đề này. Cụ thể là hỗ trợ một phần kinh phí để cho các địa phương (kể cả tỉnh Long An) thực hiện vớt lục bình, nhằm giảm bớt khó khăn về kinh phí. Có như vậy việc xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông mới đạt kết quả bền vững, lâu dài.