Tăng cường công tác thanh, kiểm tra
Năm 2018, ngành Y tế đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông về quản lý chất thải y tế, xây dựng cơ sở y tế Xanh – Sạch – Đẹp; thực hiện thí điểm mô hình cơ sở y tế xanh sạch đẹp tại 5 bệnh viện thuộc tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh và Hưng Yên. Đồng thời, ngành tiến hành rà soát tổ chức và năng lực phòng khám bệnh nghề nghiệp và đơn vị thực hiện quan trắc môi trường lao động tại tuyến tỉnh.
Ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường, nước sạch, hóa chất, an toàn và vệ sinh lao động, chất thải y tế như tổ chức các Đoàn kiểm tra: việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp tại 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; kiểm tra tiến độ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; công tác quản lý chất thải y tế và kết quả thực hiện cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp tại 9 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh kiểm tra giám sát chất lượng nước tại Cần Thơ, Hồ Chí Minh, Yên Bái, các đơn vị chức năng tổ chức khảo sát thu thập thông tin về các hoạt động truyền thông nước sạch - vệ sinh môi trường tại các tỉnh Điện Biên, Đăk Nông và khảo sát về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh, Thái Bình, Yên Bái, Kon Tum, Bến Tre.
Các đơn vị kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại Cao Bằng, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Giang, Quảng Trị; kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác tại Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Yên Bái, Bắc Giang.
Ngành tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở y tế, công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị. Cùng với đó ngành đã tổ chức 40 cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác y tế trường học theo kế hoạch tại 30 tỉnh, thành phố….
Trong năm 2018, tỷ lệ chất thải y tế tại các bệnh viện được xử lý theo quy định được duy trì. 99% chất thải rắn y tế nguy hại đã được xử lý. 478/543 bệnh viện (88%) có hệ thống xử lý nước thải y tế hoạt động tốt; 85% lượng nước thải y tế được xử lý.
Tổng lượng nước thải y tế được xử lý đạt yêu cầu đạt 90% tại tuyến tỉnh, 89% tại tuyến huyện, 97% tại các bệnh viện tư nhân; 192 bệnh viện có lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế, trong đó: tuyến Trung ương có một bệnh viện, tuyến tỉnh có 52 bệnh viện, tuyến huyện có 135 bệnh viện và tư nhân có 4 bệnh viện. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh toàn quốc là 71,9%: Đồng bằng sông Hồng 97,8%, Đông Nam Bộ 97,1%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung 84%, Trung du và Miền núi phía Bắc 67,6%, Đồng bằng sông Cửu Long 67,3%, và các tỉnh Tây Nguyên 63,3%.
Cũng trong năm 2018, các đơn vị chức năng của ngành Y tế đã tiếp nhận, giải quyết 1.506 lượt hồ sơ đăng ký lưu hành, quảng cáo về hóa chất. Số mẫu quan trắc môi trường lao động không đạt tiêu chuẩn vệ sinh chiếm 7,92%, giảm 1,7% so với năm 2017. Khoảng 1,71 triệu người lao động được khám sức khỏe định kỳ, tăng 48% so với năm 2017; 30/63 tỉnh/thành phố thực hiện khám phát hiện được 30/34 loại bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, số cơ sở lao động lập hồ sơ vệ sinh lao động còn thấp: 12,7% (giảm 1,1% so với năm 2017).
Đặc biệt, tình hình mắc và tử vong do tai nạn thương tích có xu hướng giảm so với năm 2017; có gần 577.000 trường hợp mắc tai nạn thương tích với tỷ suất là 630,4 trên 100 nghìn dân (giảm 8,3%); trên 4.700 trường hợp tử vong chiếm 0,82% (giảm 5,1%). Số mắc tai nạn giao thông giảm 8,7%, số tử vong do tai nạn giao thông giảm 0,5%. Số mắc đuối nước giảm 22,1%, số tử vong do đuối nước tăng 9,1%.
Nâng cao nhận thức người lao động
Năm 2019, ngành Y tế tập trung triển khai sâu, rộng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngành phấn đấu có 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% dân số thường xuyên thực hành rửa tay với xà phòng.
Ngành chú trọng nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ y tế các cấp, năng lực đánh giá tác động sức khỏe, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Phấn đấu 100% các nhà máy nước đô thị, 70% trạm cấp nước nông thôn được kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt theo quy định; trên 86% dân số được sử dụng nước sạch đã được giám sát chất lượng nước.
Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người lao động, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, giám sát về môi trường lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Phấn đấu 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.
Hoạt động giáo dục, truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trên phạm vi toàn quốc sẽ được tăng cường, song song với củng cố, phát triển mạng lưới và năng lực sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng và chăm sóc chấn thương tại các cơ sở y tế. Ngành quan tâm triển khai, nâng cao chất lượng hệ thống giám sát tử vong, giám sát điểm tai nạn, thương tích tại cộng đồng, mô hình an toàn phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng; phòng chống tai nạn giao thông đường bộ, phòng chống đuối nước ở trẻ em.