Giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao Mèo Vạc

Với mục tiêu phấn đấu giảm gần 1.500 hộ nghèo đa chiều, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 8,53%, đồng thời, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới, huyện vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Chú thích ảnh
Vợ anh Vừ Mí Dế tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) chăm sóc con bò được hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo bền vững. 

Là huyện vùng cao biên giới, đời sống kinh tế, xã hội của bà con cơ bản còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, điều kiện cấp thiết nhất để người dân an tâm lao động, sản xuất là phải có chỗ ở ổn định. Có “an cư”, bà con mới nghĩ đến chuyện “lạc nghiệp”.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mèo Vạc, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ở dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho 657 hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó xây mới 550 hộ, sửa chữa 107 hộ), tính đến tháng 8/2023, huyện đã phê duyệt cho 592 hộ thực hiện, với số vốn đã giải ngân trên 12 tỷ đồng, đạt 46,86% kế hoạch.

Là một trong những hộ nghèo của địa phương, gia đình anh Vừ Mí Dế (xã Cán Chu Phìn) được hỗ trợ 44 triệu đồng để xây mới ngôi nhà. Anh còn được hỗ trợ con bò trị giá 15 triệu đồng. Anh Dế chia sẻ, nhờ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, gia đình anh từ nay đã có căn nhà khang trang, yên tâm hơn trong mùa mưa lũ. Có thêm tư liệu sản xuất, anh hy vọng cuộc sống gia đình sẽ ngày một khấm khá, no ấm hơn.

Chú thích ảnh
Căn nhà được hỗ trợ xây dựng của vợ chồng anh Thò Mí Dế tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) đang được hoàn thiện.

Gia đình anh Thò Mí Dế (xã Cán Chu Phìn) cũng là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây mới nhà ở (với mức hỗ trợ 44 triệu đồng). Anh Thò Mí Dế cho biết, trước đây, vì chỗ ở còn tạm bợ nên quanh năm suốt tháng đi làm chỉ lo sửa nhà cửa. Sau nhiều năm tích góp, cùng sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, anh Dế đã có nhà mới, có thể yên tâm đi làm ăn xa, kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình.

Ông Vàng Mí Trạ, Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, đối với dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã có 68 hộ được thụ hưởng, trong đó, xây mới 60 căn nhà và sửa chữa 8 căn nhà. Việc xét chọn thụ hưởng được địa phương rà soát chặt chẽ, đúng đối tượng. Sau khi được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ, bà con đều vui mừng, phấn khởi.

Chú thích ảnh
Căn nhà mới của vợ chồng anh Vừ Mí Dế tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang). 

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mèo Vạc Lương Vũ Khoa cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình; triển khai dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo; kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm.

Bài, ảnh: Nam Thái (TTXVN)
Giải pháp giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Khánh Sơn
Giải pháp giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Khánh Sơn

Phần lớn dân số của huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ tiếp cận với các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN