Điểm sáng giảm nghèo bền vững ở đô thị - Bài cuối: Tăng tốc xóa nghèo từ chính sách đặc thù

Trong những năm qua, cùng với việc vận động, tạo nhiều điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, Thành phố Hồ Chí Minh còn thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở từ Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội lớn để Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến đẩy nhanh việc xóa nghèo bền vững. 

Chú thích ảnh
Tổ phúc tra thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 tại các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nhiều chính sách hướng đến người nghèo

Theo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND, Thành phố Hồ Chí Minh có quy định thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ mới thoát nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo. Cụ thể, thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các văn bản quy định hiện hành (từng giai đoạn) của Trung ương và Thành phố. Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật; có các chính sách và giải pháp hỗ trợ nhà ở phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của hộ; khuyến khích nguồn lực xã hội hóa đầu tư nhà ở phù hợp cho hộ; hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn.  

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố, chính sách mới tập trung hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm giúp Thành phố chủ động nguồn vốn tín dụng chính sách, hỗ trợ kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng gia sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu nhập ổn định. Mức cho vay tối đa giải quyết việc làm đối với người lao động là 100 triệu đồng; trường hợp lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp…

Cùng với Nghị quyết mới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ về giáo dục, miễn, giảm học phí cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận, sinh viên người dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo. Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở; trợ giúp pháp luật cùng các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội như: trợ cấp khó khăn, hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn, hỗ trợ tiền điện, chính sách chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Mặt trận và tổ chức đoàn thể các cấp tiếp tục phát huy nhiều mô hình, hoạt động hướng đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát khỏi hộ cận nghèo, thông các hoạt động sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây dựng nhà tình bạn. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các mô hình “Heo đất nghĩa tình”, “Quỹ giúp nhau làm kinh tế”, tín dụng tiết kiệm; trao tặng thẻ bảo hiểm, phương tiện sinh kế, học bổng, tổ chức các lớp dạy nghề…, góp phần động viên, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo, cận nghèo vươn, từng bước lên thoát nghèo bền vững.

Để thực hiện hiệu quả chương trình, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến bố trí hơn 15.100 tỷ đồng, trong đó bổ sung mới 7.873 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn cận nghèo tiếp cận các chính sách an sinh xã hội (chính sách không hoàn lại), chính sách giảm các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố, kết quả rà soát đầu giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố có hơn 58.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 227.743 nhân khẩu (chiếm 2,29%/tổng hộ dân Thành phố). Đến đầu tháng 7/2023, Thành phố còn lại hơn 39.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 155.736 nhân khẩu (chiếm 1,55%/tổng hộ dân thành phố); trong đó có 21.308 hộ nghèo với 83.088 nhân khẩu (chiếm 0,84%) và 18.067 hộ cận nghèo với 72.648 nhân khẩu (chiếm 0,71%). Tổng cộng qua 2 năm đầu giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đã kéo giảm hơn 17.700 hộ nghèo và hơn 11.100 hộ cận nghèo.

Chung sức, đồng lòng để không còn hộ nghèo

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn thách thức. Trong đó, hơn 2 năm đầu, Thành phố liên tiếp trải qua đại dịch COVID-19, tiếp đó là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến nhiều người bị giảm, giãn và mất cả việc làm đã khiến cho số hộ nghèo, hộ cận nghèo gia tăng. Bên cạnh đó, vẫn còn thành viên hộ nghèo chưa chủ động thoát nghèo; tỷ lệ kéo giảm một số chiều thiếu hụt xã hội chưa cao như: thiếu hụt về nhà ở, trình độ giáo dục của người lớn, bảo hiểm xã hội hay tín dụng chính sách do phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan…

Một khó khăn khác đang được các cơ quan chức năng Thành phố tập trung tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới đó là những hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên không còn khả năng học tập, học nghề do bị tai nạn, bệnh down, tâm thần, bại não… làm ảnh hưởng đến các chỉ số thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em, chỉ số về trình độ giáo dục. Ngoài ra, việc xác định hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp để làm cơ sở khảo sát mức sống trung bình trong giai đoạn hiện nay cũng đang gặp khó khăn và đang chờ ý kiến từ các ngành liên quan.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như trên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đặt quyết tâm hoàn thành mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,35%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,2%/năm trong năm 2023 và đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.

Để đạt mục tiêu trên, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các cấp chủ động lồng ghép các chỉ tiêu thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững vào kế hoạch, chỉ tiêu chung; chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giải pháp hỗ trợ kéo giảm các chiều, chỉ số thiếu hụt và các diện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, đảm bảo cơ chế phối hợp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép với kế hoạch, chỉ tiêu của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời đồng bộ và hiệu quả.

Các sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các cấp cần tạo điều kiện, cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau để vươn lên thoát nghèo; phát huy các mô hình giảm nghèo hiệu quả trước đây, đồng thời tăng cường các mô hình mới hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là đa dạng hóa các mô hình trao tặng sinh kế, trao tặng mái ấm, dân giúp dân, trợ cấp vượt khó, kết nối, chia sẻ yêu thương hoặc mô hình các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức, đảng viên, chi bộ hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Để tăng tính hiệu quả, hướng đến hoàn thành sớm Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cấp ngành, chính quyền thành phố tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, với những biện pháp hiệu quả và đột phá chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phát huy mạnh mẽ những nhân tố tích cực tạo nên kết quả thời gian qua; khắc phục những hạn chế bất cập, yếu kém còn tồn tại, đề ra những biện pháp hiệu quả, quyết liệt thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải tiếp tục xem giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia chương trình giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện tối đa để người nghèo vươn lên thoát nghèo, có chất lượng sống tốt… Trên cơ sở giảm nghèo bền vững theo phương pháp nghèo đa chiều, các cấp ngành, chính quyền thành phố cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí giáo dục và y tế; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa trong các khu dân cư, nơi tập trung đông công nhân lao động; cải thiện vệ sinh môi trường; đẩy mạnh phòng, chống tệ nạn xã hội; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo; nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của người có công, bảo đảm các gia đình chính sách có mức sống cao hơn mức trung bình ở địa phương.

Bài và ảnh: Thanh Vũ  (TTXVN)
Điểm sáng giảm nghèo bền vững ở đô thị - Bài 1: Đi đầu cả nước với những chương trình hiệu quả
Điểm sáng giảm nghèo bền vững ở đô thị - Bài 1: Đi đầu cả nước với những chương trình hiệu quả

Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tránh tái nghèo, qua đó phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN