Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá

Giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu hàng đầu và là chủ trương xuyên suốt của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua.

Khá lên từng ngày…

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội của thành phố là thành công của chính sách giảm hộ nghèo, tăng hộ khá.

Chị Bảy, một người dân ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè tâm sự: “Trước đây, gia đình chị phải chạy ăn từng bữa, thu nhập chủ yếu là nhờ đi làm thuê, cuộc sống bấp bênh, không dám nghĩ đến việc tiếp tục cho con cái đi học. Khó khăn chất chồng, cứ tưởng chẳng bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo túng này, nhưng nhờ sự tư vấn hỗ trợ của cán bộ Quỹ xóa đói, giảm nghèo - tăng hộ khá của thành phố và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nhà Bè, gia đình chị đã mua sắm phương tiện để mưu sinh, hai con chị không bị dở dang việc học, nay đã trưởng thành, phụ giúp được kinh tế cho gia đình...”.

Trồng rau sạch ở Củ Chi, một mô hình thoát nghèo hiệu quả.Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Sẽ chẳng thể kể hết những câu chuyện, hoàn cảnh tương tự như gia đình chị Bảy, vì đây dường như là những câu chuyện chung của nhiều gia đình nghèo sống ở TP Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, thành quả của chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá không chỉ làm thay đổi cuộc sống của từng hộ dân cụ thể, mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi đã khơi dậy, phát huy truyền thống tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, xây đắp tình làng nghĩa xóm, phát huy được nội lực, hướng thiện của cộng đồng. Trong từng trường hợp cụ thể, nhiều gia đình được giúp đỡ đã vươn lên thành công và hỗ trợ hộ nghèo khác bằng vốn vay, giống vật nuôi, cây trồng, cho mượn đất để trồng trọt chăn nuôi, hướng dẫn cách làm ăn...

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh:

Để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, ngoài những tiêu chí theo quy định, tôi mong muốn các địa phương cần quan tâm đến con em hộ nghèo, hỗ trợ học bổng, miễn giảm học phí ngay từ khi các em học tiểu học; giúp đỡ, theo sát, hỗ trợ, tiếp sức liên tục cho các em đến khi lên cấp 2, cấp 3. Đồng thời, quan tâm phân luồng, hướng nghiệp đầy đủ cho các em và tư vấn cho các em học gì ra trường có việc làm. Nếu được chăm chút một quá trình như thế, thì các em và các gia đình sẽ thoát nghèo bền vững.

Nhờ đó, chuẩn nghèo của thành phố cũng được nâng lên, dần tiếp cận với chuẩn nghèo của quốc tế, ở mức 2 USD/người/ ngày. Chênh lệch về mức sống giữa nhóm dân cư có thu nhập cao nhất và nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất được kéo giảm từ hơn 10 lần vào năm 1992 xuống còn dưới 6,6 lần vào năm 2015. Bên cạnh đó, sự kết hợp hiệu quả giữa công tác giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần rút ngắn chênh lệch trong nhóm hộ nghèo, cận nghèo ở nội thành và ngoại thành, tạo ra những phương kế làm ăn có tính căn cơ, bảo đảm cuộc sống người dân.

Tuy vậy, băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo thành phố vẫn là tìm được những giải pháp để phát triển đời sống bà con, tạo được phương kế làm ăn lâu dài, để bà con thoát nghèo bền vững. Kết quả giảm nghèo còn nhiều điểm chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo đối với một bộ phận dân cư vẫn còn khá cao. Có những hộ không thuộc diện nghèo trong chương trình, nhưng còn thiếu điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản trong cuộc sống.

Giải pháp từ thực tế địa phương

Thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn thành phố đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định là nhờ vào sự linh hoạt của các giải pháp, mô hình mà từng quận, huyện triển khai. Như mô hình lồng ghép giảm nghèo với việc xây dựng nông thôn mới, thành lập các tổ giảm nghèo tự quản, hướng nghiệp cho mọi người trong gia đình theo một ngành nghề, cho vay vốn tự tạo việc làm, phát triển kinh tế...

Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap của ông Nguyễn Văn Trãi, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi có lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Đại diện xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, chia sẻ, ngoài các chương trình được triển khai từ trên xuống, xã Thái Mỹ đã áp dụng “mô hình 5+1”, tức là mỗi cán bộ quản lý chịu trách nhiệm giúp đỡ 5 hộ nghèo. Mỗi khi các hộ dân có khó khăn, lập tức cán bộ quản lý có đề xuất để tháo gỡ ngay. Từ những cách làm cụ thể này, Mỹ Thái đã đạt được nhiều kết quả trong chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, là một trong những địa phương xóa được nhà tạm, nhà tranh vách đất trong nhiều năm qua.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh hiện nay, người nghèo ở thành phố có thể thoát ra khỏi chuẩn nghèo thu nhập ở từng giai đoạn, nhưng vẫn còn gặp khó khăn và thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản. Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ những hộ dân vừa nghèo thu nhập, vừa thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, tổng số hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống theo chuẩn hộ nghèo của thành phố chỉ còn khoảng 47.684 hộ, chiếm tỷ lệ 2,4% hộ dân trên địa bàn. Tổng số hộ cận nghèo có thu nhập trên 16 đến 21 triệu đồng/người/năm là 49.651 hộ, chiếm tỷ lệ 2,5%.

Thành phố sẽ ưu tiên hỗ trợ các chính sách về vay vốn, đào tạo nghề, tạo việc làm để giúp nâng thu nhập và tăng cường các khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đối với nhóm hộ cận nghèo, thành phố cũng có các chính sách tác động trực tiếp vào các chiều đang thiếu hụt, theo chuẩn giảm nghèo đa chiều, để tiếp tục hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân. Dự kiến, ngân sách cho chương trình giảm nghèo trong năm nay sẽ tăng (từ năm 2009 - 2015, tổng nguồn vốn huy động trực tiếp cho giảm nghèo là 4.253 tỷ đồng), nhưng mức độ tăng không nhiều. Vì vậy, ngoài vấn đề chi ngân sách, thành phố sẽ áp dụng một số chính sách, giải pháp tác động để giảm một số chiều nghèo thiếu hụt, thông qua tuyên truyền vận động, làm chuyển biến nhận thức của người dân và lồng ghép vào các chương trình an sinh xã hội như chương trình nước sạch, nhà ở xã hội để tăng hiệu quả giảm nghèo bền vững.

L. Hiền
Vốn chính sách khẳng định vai trò đảm bảo an sinh xã hội
Vốn chính sách khẳng định vai trò đảm bảo an sinh xã hội

Với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, cùng với việc triển khai tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Thừa Thiên - Huế đã đạt được những kết quả tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN