Cụ thể, theo ông Vũ Hồng Phương, sở dĩ chỉ ông Hồng có mặt tại Việt Nam thời gian này vì duy nhất ông Hồng có hộ chiếu công vụ nên được cấp visa vào Việt Nam. Những chuyên gia khác hiện chỉ có hộ chiếu phổ thông.
“Đến 9/3 tới, ông Đường Hồng sẽ hết thời hạn cách ly và có thể quay trở lại làm việc. Ban Quản lý dự án đường sắt đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra xem xét việc cấp visa cho các chuyên gia Trung Quốc tại dự án”, ông Vũ Hồng Phương cho hay.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và Tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh thực hiện. Nhân sự tham gia thực hiện dự án đến từ nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Từ tháng 1/2020, Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát của dự án đã cho các nhân sự thực hiện dự án về Trung Quốc để nghỉ Tết Nguyên đán Canh tý 2020.
Liên quan đến việc triển khai dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Phía UBND thành phố Hà Nội cho biết đã bố trí khách sạn để cách ly các chuyên gia Trung Quốc. Tại đây sẽ trang bị đầy đủ thiết bị để có thể làm việc trực tuyến”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ và đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.