Thủ tướng vừa phê duyệt lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020, trong năm nay, Bộ Y tế cũng sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sau 3 năm đưa vào thực hiện, vậy chính sách bảo hiểm y tế toàn dân có những thay đổi gì mới đáng chú ý. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm rõ vấn đề này trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
a
Mức bao phủ cho người tham gia bảo hiểm y tế sẽ đạt 70% vào năm 2015 và đạt trên 80% vào năm 2020. Ảnh: giadinh.net
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền để giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quyết định để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân của Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân có những nội dung chính sau: Thứ nhất, mức bao phủ cho người tham gia bảo hiểm y tế sẽ đạt được 70% vào năm 2015, và đạt trên 80% vào năm 2020. Thứ hai, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh để làm hài lòng người bệnh. Thứ ba, từng bước nâng cao gói dịch vụ y tế, muốn vậy, theo lộ trình sẽ từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ và Nhà nước sẽ hỗ trợ những đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và một số đối tượng khác. Đối với người bình thường, giá dịch vụ phải được tính đúng tính đủ để đảm bảo gói dịch vụ đủ cung cấp cho người dân, giảm bớt việc chi tiền túi từ người dân.
Đối với Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ trưởng cho biết cũng sẽ có những nội dung thay đổi, đó là số lượng đối tượng sẽ giảm bớt, bởi hiện nay có tới 25 loại đối tượng sẽ rất khó quản lý. Một số đối tượng sẽ được đóng theo hình thức hộ gia đình nhằm giảm bớt chi phí của người dân và thúc đẩy nhiều người tham gia hơn. Các phương thức chi trả sẽ thay đổi để đảm bảo tài chính công khai minh bạch, tránh lạm dụng. Phân cấp, phân quyền những quỹ bảo hiểm y tế và một số phân tuyến kỹ thuật cũng sẽ thay đổi. Kèm theo đó là những phần vượt tuyến cũng được thanh toán một cách phù hợp và một số chích sách khác cũng sẽ được thay đổi để phù hợp hơn tình hình hiện nay.
Theo Bộ trưởng, những điểm thay đổi quan trọng nhất trong chính sách bảo hiểm y tế là để nhiều người dân tham gia bảo hiểm. Người dân phải nhận thức được bảo hiểm là quyền lợi của chính mình chứ không phải là nghĩa vụ, coi bảo hiểm như là “bùa hộ mệnh” của mình. Hiện nay, chỉ khi nào ốm người dân mới mua bảo hiểm y tế tự nguyện, họ không biết đó là quyền lợi. Bộ trưởng giải thích, với mệnh giá như hiện nay, gói dịch vụ y tế là rất ưu việt, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước và cả hệ thống y tế. Việc gắn bảo hiển y tế toàn dân với chính quyền các cấp, đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới cũng nhằm để đem quyền lợi đến người dân. Điểm quan trọng nữa trong việc sửa đổi Luật Bảo hiểm lần này là giảm bớt việc người tham gia bảo hiểm phải bỏ tiền túi mà bảo hiểm sẽ cơ bản thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh.
Về tình trạng phân biệt đối xử khi đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhận thấy thực tế hiện nay tình trạng quá tải đã làm người bệnh phải chờ đợi lâu, thủ tục phiền hà, thái độ của một số cán bộ, nhân viên y tế chưa tận tình hướng dẫn và do giá dịch vụ y tế trước đây quá thấp nên người dân phải mua thêm nhiều thuốc, dụng cụ... nên vừa phải bỏ tiền túi vừa bị phiền hà. Bộ trưởng cho biết, ngành y tế từng bước khắc phục tình trạng trên để nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh và thu hút nhiều bảo hiểm y tế hơn bằng cách giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách các thủ tục khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi và thống nhất với bảo hiểm để giảm bớt số chữ ký trong việc thanh toán... Mở thêm các bàn khám bệnh, ô tiếp đón, nhiều bàn chỉ dẫn và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, sắp xếp nơi xét nghiệm gần phòng khám để hạn chế việc đi lại cho bệnh nhân. Bộ Y tế cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử và tổ chức các lớp tập huấn để giảm bớt sự phiền hà và không hài lòng của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời mở rộng mạng lưới bệnh viên, bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh, huyện, cải tiến trang thiết bị khám chữa bệnh để phục vụ người bệnh một cách tốt nhất.
Giải thích về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo theo Quyết định 705 của Thủ tướng Chính phủ có ảnh hưởng gì đến đối tượng được thụ hưởng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho người cận nghèo là 70%, tuy nhiên, số lượng tham gia bảo hiểm thấp chỉ chiếm 20% trong tổng số cận nghèo và những người nghèo rất dễ trở thành người nghèo nếu bị ốm đau... Đây là chính sách an sinh xã hội giúp giảm nghèo nhanh, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế đối với những hộ cận nghèo thuộc đối tượng: Hộ cận nghèo mới thoát nghèo, hộ cận nghèo sống ở những nơi đặc biệt khó khăn nằm trong Quyết định 30a của Chính phủ và những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bộ Y tế cũng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Quyết định 14 để những người nghèo, cận nghèo sống ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số khó khăn bị các bệnh hiểm nghèo như: Tim mạch, chạy thận nhân tạo, ung thư, bệnh mãn tính... Nhà nước sẽ hỗ trợ nốt phần đồng chi trả như thuốc, vận chuyển bệnh nhân.
Trọng Thủy