Giải quyết các vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tái định cư xã Hòa Bắc

Khu tái định cư thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) được thành lập từ hơn chục năm trước, nhằm di dời hàng trăm hộ dân vùng sạt lở bờ sông Cu Đê lên vùng có địa thế cao ráo, an toàn hơn. Những năm gần đây, vùng quê yên bình này bỗng “nóng” lên vì việc nhiều hộ gặp khó khăn trong làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo anh Nguyễn Tạo, một hộ dân trong khu tái định cư thôn Nam Yên, lô đất của gia đình anh có diện tích 358 mét vuông. Tháng 3/2019, gia đình có nhu cầu nên đã làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dù đã đóng đủ tiền thuế đất và các loại phí là 77 triệu đồng nhưng đến nay đã gần 1 năm mà hồ sơ  của anh vẫn chưa được giải quyết xong.
 
Anh Tạo cho biết: “Xã Hòa Bắc cách trung tâm huyện Hòa Vang và trung tâm thành phố Đà Nẵng hơn 30 cây số, trong năm qua tôi đã đi lại hàng chục lần nhưng vẫn chưa xong thủ tục. Mỗi lần cán bộ lại nói còn thiếu cái này, cần sửa cái kia, trong khi tôi đã đóng đầy đủ tiền nghĩa vụ cho nhà nước”.
 
Về việc này, ông Thái Văn Hoàng Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng, đây là vấn đề tồn tại đã lâu và có một phần nguyên nhân từ người dân. Theo ông Nam, từ đầu những năm 2000, khi bắt đầu giao đất cho người dân, xã có chủ trương giao diện tích rộng để người dân sinh sống và phát triển kinh tế, nên nhiều hộ được giao hơn 300 đến 400 mét vuông. Nếu ngay sau khi nhận đất, làm nhà mà các hộ dân làm hồ sơ luôn thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất đơn giản. Nhưng từ cuối năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản quy định hạn mức giao đất ở tại xã Hòa Bắc chỉ được 300 mét vuông, nên xã còn gần 100 hộ dân chưa làm hồ sơ sẽ phải điều chỉnh lại. Theo đó, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ có 300 mét vuông đất ở, phần còn lại là đất hoa màu. Hộ anh Nguyễn Tạo và các hộ mới làm hồ sơ sẽ phải điều chỉnh theo quy định, chứ không phải là diện tích đang ở bao nhiêu thì được cấp chứng nhận bấy nhiêu.
 
Thứ 2 là vướng về ranh giới, trước đây, sau khi phê duyệt quy hoạch, cấp cho bà con rồi thì người xây trước, người xây sau, không quản lý mốc ranh giới, dẫn đến tình trạng nhiều hộ có diện tích, kích thước đất thực tế bị sai lệch so với quy hoạch trước đây. Về vấn đề này, UBND huyện Hòa Vang đã cho chủ trương khôi phục lại mốc cũ. Hiện giờ người dân có đang sử dụng đất như thế nào, thì cũng phải căn cứ vào hồ sơ quy hoạch cũ đã được duyệt để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xã đã tích cực vận động, các hộ dân đồng ý cấp Giấy chứng nhận theo đúng hồ sơ quy hoạch này thì mới giải quyết được.
 
Ông Lê Bá Trúc, Trưởng thôn Nam Yên cho biết, thôn đã họp nhiều lần về vấn đề này để lấy ý kiến người dân và kiến nghị lên các cấp xã, huyện. Năm 2016 nhà nước đã có một đợt làm hồ sơ cho dân ở đây, đa số các hộ đã làm xong, một số hộ còn lại do nợ thuế nên mới để đến bây giờ. Theo ông Trúc, trong cuộc họp gần đây nhất với chính quyền xã, những hộ này đã thống nhất chủ trương, ký vào cam kết sẽ đo đạc và làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo sơ đồ quy hoạch cũ chứ không phải đất hiện trạng. Những hộ đã lỡ xây lấn hàng rào sang đất nhà khác thì hai bên tự thỏa thuận cách xử lý.
 
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, đây là vấn đề còn tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ trước và UBND xã đang nỗ lực giải quyết dứt điểm các vướng mắc. Khi người dân đã đồng thuận với chủ trương thì hồ sơ sẽ được chuyển cho Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang để tiếp tục các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

Quốc Dũng (TTXVN)
Điều tra vụ tẩy xóa, hợp lệ hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Điều tra vụ tẩy xóa, hợp lệ hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Là cán bộ địa chính xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nhưng trong hai năm 2018 và 2019, ông Nguyễn Văn Bửu đã nhiều lần tẩy xóa hồ sơ của người dân để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN