Bước tạo đà quan trọng
Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong 3 năm (2019-2021) với khối lượng công việc đồ sộ là phải di dời 3.187 hộ ở khu vực di tích Thượng Thành, Eo Bầu, hộ Thành hào, tuyến Phòng lộ.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, có 2.139 lô đất dự kiến được bố trí cho các hộ dân tái định cư. Hiện nay, UBND thành phố Huế đã phê duyệt bố trí tái định cư ở 1.917 lô, các hộ đã bốc thăm nhận 1.816 lô. Tổng số kinh phí được phê duyệt để triển khai trong giai đoạn 1 của dự án là 1.097 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền hỗ trợ các hộ dân bàn giao mặt bằng đúng quy định), đến nay tổng số tiền đã chi trả, giải ngân là 937,9 tỷ đồng, đạt 85,5%.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, cuối năm 2020 dự án đã cơ bản hoàn thành xong công tác phê duyệt những hộ dân đủ điều kiện hỗ trợ di dời, tái định cư trong giai đoạn 1 của dự án. Năm 2021, thành phố Huế tập trung chi trả tiền và giao đất cho các hộ dân để ổn định đời sống.
Hạ tầng các khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực 1 – 7, với 2.589 lô đất, đảm bảo quỹ đất để bố trí tái định cư trong giai đoạn 1. Công ty Cổ phần Xây dựng 1-5 là một trong những đơn vị tham gia xây dựng hạ tầng 4 khu tái định cư tại phường Hương Sơ, thành phố Huế. Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Nho cho biết, đơn vị đang trong giai đoạn hoàn thiện khu 5,6,7 với những phần việc lát gạch vỉa hè, đấu nối đường điện, trồng cây xanh, thảm nhựa đường đi, phấn đấu hoàn thành trước 30/9.
Những khu tái định cư hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ xây dựng nhà của người dân rất cao, dần tạo nên những tuyến phố khang trang, sạch đẹp, làm thay đổi cuộc sống chật chội, tạm bợ của người dân sống trên đất di tích trước đây. Giám đốc Ban Quản lý Dự án khu vực thành phố Huế Hoàng Thiện cho biết, những khu tái định cư cho bà con di dời từ khu vực 1 Kinh thành Huế được thiết kế quy hoạch theo hướng đô thị hiện đại. Hệ thống đường giao thông thoáng rộng, hệ thống điện lưới được ngầm hóa, hai bên vỉa hè đảm bảo mật độ cây xanh. Nhà ở của người dân được xây dựng tuân theo thiết kế mẫu với từng tuyến phố, hướng đến hình thành các khu tái định cư xanh, sạch, sáng, kiểu mẫu của thành phố.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Các cơ quan chức năng của thành phố Huế đã đẩy nhanh một bước, triển khai các thủ tục để giải phóng mặt bằng ở khu vực hồ Tịnh Tâm và di tích Trấn Bình Đài (Mang Cá Con). Kế hoạch ban đầu hai khu vực này nằm trong giai đoạn 2 của dự án và phấn đấu sẽ hoàn thành trong năm 2021. Ở khu vực hồ Tịnh Tâm có khoảng 230 hộ sẽ được di dời, kinh phí dự kiến là khoảng 178,6 tỷ đồng; di tích Trấn Bình Đài có khoảng 168 hộ với kinh phí dự kiến di dời là 52 tỷ đồng. Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế cho biết, đơn vị phấn đấu đến tháng 9/2021 sẽ hoàn thành thủ tục phê duyệt bố trí tái định cư và giao đất tái định cư ngoài thực địa cho các hộ dân sinh sống ở khu vực hồ Tịnh Tâm và di tích Trấn Bình Đài vào cuối năm 2021.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, trong giai đoạn 2 (2022 – 2025) của Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế sẽ có 1.954 hộ dân được di dời khỏi khu vực hồ Học Hải, đàn Xã tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tổng kinh phí để triển khai giai đoạn 2 của dự án là 1.760 tỷ đồng. Các đơn vị thi công cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng hạ tầng các khu tái định cư 8,9,10 ở phường Hương Sơ, thành phố Huế để kịp thời tạo nguồn quỹ đất cấp cho các hộ dân thuộc diện di dời ở giai đoạn 2.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế Nguyễn Anh Tuấn cho rằng kinh nghiệm có được từ kết quả triển khai giai đoạn 1 của dự án là phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác bồi thường và hỗ trợ người dân tái định cư. Đồng thời, phải chủ động hướng dẫn hỗ trợ tối đa thủ tục hành chính, giải quyết thỏa đáng những quyền lợi chính đáng của người dân.
Trong quá trình triển khai giai đoạn 1 của Dự án đã nảy sinh nhiều vướng mắc. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhanh chóng có báo cáo tổng hợp và được Thủ tướng Chính phủ giải quyết, tháo gỡ kịp thời tại Công văn số 222/TTg-CN ngày 24/2/2021 về việc điều chỉnh, bổ sung và áp dụng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế.
Tuy nhiên, một số bộ luật mới bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ năm 2021 với những quy định khác so với trước đây đang tạo ra nhiều khó khăn cho quá trình triển khai giai đoạn 2 của dự án. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Theo Luật Cư trú 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013, trong gia đình có nhiều thế hệ sinh sống, các cặp vợ chồng sống chung trên cùng một thửa đất thì được tách hộ hay còn gọi là hộ phụ, áp theo khung chính sách của dự án sẽ được bố trí đất tái định cư. Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 có quy định mới, theo đó gia đình có nhiều thế hệ cùng ở chung nhà trên đất di tích thì không được tách hộ. Điều này tạo ra sự không thống nhất trong việc giải quyết quyền lợi của những đối tượng được hỗ trợ đất tái định cư ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tổng hợp để báo cáo, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương xem xét, tháo gỡ nhằm đảm bảo quyền lợi đồng nhất của các hộ dân nằm trong diện di dời.
Dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế là một trong những dự án lớn, trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Với những kết quả quan trọng đạt được trong giai đoạn 1 cộng với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên – Huế phấn đấu thực hiện tốt giai đoạn 2 của dự án, góp phần vào quá trình hồi sinh diện mạo bề thế của Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.