Tại buổi họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo cụ thể cho phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí về: Cơ chế, mô hình, giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…
Đặc biệt, tại cuộc Họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời nhiều câu hỏi được báo chí và dư luận quan tâm, trong đó có việc giải quyết đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực đất đai; quá trình thanh tra nhập khẩu phế liệu; dự án nhận chìm hơn 15 triệu m3 vật chất xuống biển của Tập đoàn Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); việc thanh tra Công ty Urenco 6 xả thải gây ô nhiễm môi trường; công tác xử lý dầu rò rỉ tại Khu lọc hóa dầu Nghi Sơn…
Tiếp tục hoàn thiện chính sách tích tụ, tập trung đất đai
Đề cập về cơ chế, mô hình, giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp quy môi lớn, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp đã được tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII.
Ở Việt Nam, các phương thức tích tụ, tập trung đất đai gồm 5 phương thức. Đó là dồn điển, đổi thửa (chuyển đổi đất nông nghiệp giữa các hộ gia đình, cá nhân; thuê đất nông nghiệp của người sử dụng đất; liên kết hợp tác với người sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Riêng phương thức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất đang được áp dụng tại tỉnh Sơn La, giữa nông dân và Công ty cao su Việt Nam (đất được định giá để xác định giá trị vốn góp trong giá trị doanh nghiệp).
Theo đó, có 5 mô hình sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, cụ thể là mô hình trang trại của hộ gia đình, cá nhân; mô hình hợp tác xã; tổ hợp tác; mô hình doanh nghiệp và mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Tính đến thời điểm 1/7/2016, trên phạm vi cả nước có tổng số 2.262 cánh đồng lớn, trong đó Đồng bằng sông Hồng có 705 cánh đồng, chiếm 31,2%; khoảng 619.000 hộ nông dân tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn.
Với mục tiêu thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai để tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá những bất cập, tồn tại về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai còn gây cản trở. Đồng thời thể chế hóa ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương qua quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 cho phù hợp với thực tiễn.
Cùng với đó là nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể trình tự, nội dung thực hiện các phương thức, mô hình tích tụ, tập trung đất đai dự kiến trong Quý III/2019; đề xuất Đề án thí điểm các phương thức, mô hình phát triển nông nghiệp tập trung mà hiện pháp luật chưa có quy định; ban hành chính sách khuyến khích tập trung đất đai thông qua hình thức thuê đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
Sẽ thành lập Quỹ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét.
Chương trình hành động được phân kỳ thực hiện theo các giai đoạn: 2018-2020; 2021-2030; định hướng giai đoạn 2031-2050 và đến năm 2100. Trọng tâm của giai đoạn 2018-2020 là thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đã nêu trong Nghị quyết 120. Trong đó ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch và sụt lún đất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra rất nhanh và ngày càng trầm trọng.
Mặt khác, trong giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn, tạo các mô hình kinh tế-xã hội của vùng bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhiệm vụ phát triển và huy động nguồn lực bao gồm nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, tài chính và hợp tác quốc tế. Ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai, phát huy hiệu quả các chương trình, dự án. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và điều chỉnh các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020.
Tiếp tục cải cách hành chính
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đã cắt giảm, bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện (chiếm 62,6% và vượt 12,6%), tập trung chủ yếu ở 6 lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và đo đạc bản đồ. Ước tính trung bình hàng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 2.755 giờ công lao động và khoảng 37.095 triệu đồng/năm.
Cắt giảm được 38/74 hàng hoá, sản phẩm theo diện phải kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường (đạt 51,3%). Đối với đề xuất sửa đổi, bãi bỏ thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường (dự thảo đang lấy ý kiến các thành viên chính phủ), Bộ đã cắt giảm và đề xuất cắt giảm 14/15 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (đạt 93,3% và vượt 43,3%); ước tính hàng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 50.989 giờ công lao động và khoảng 3.038 triệu đồng/năm.
Hiện có tới 100% văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường được số hóa và cập nhật vào Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Bộ là cơ quan đầu tiên thuộc Chính phủ triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính. Đối với các lĩnh vực cụ thể như quản lý đất đai, tài nguyên nước, môi trường, địa chất khoáng sản… Bộ cũng đã rà soát, xây dựng, trình Chính phủ các dự thảo, nghị định sửa đổi đối với những lĩnh vực nóng bỏng nhằm đáp ứng kịp thời điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.