Trong phiên sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có những trao đổi, giải đáp về những vấn đề trên trước các đại biểu, cử tri.
Khai thác cát, sỏi lòng sông sẽ phải thông qua đấu giá
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) có đề cập tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng trái phép khiến nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc. Theo đại biểu, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, XIV từ năm 2013 đến năm 2018 nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa chấm dứt, do đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có những giải pháp cho vấn đề này.
Đối với chất vấn của đại biểu Bố Thị Xuân Linh về khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, "đây là vấn đề bức xúc trong toàn xã hội".
Theo Bộ trưởng, trên thực tế, cát sỏi để phục vụ cho xây dựng hiện có nhu cầu cao. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quan trọng như: Chỉ thị số 03 ngày 30/3/2015, Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm cụ thể trong vấn đề quản lý, bảo vệ khoáng sản, trong đó có vấn đề về cát, sỏi; đã bổ sung các hành vi, tăng mức xử phạt và đồng thời giao lại các cơ quan, Công an các địa phương xem xét. Bộ luật Hình sự cũng có những quy định để nếu trong trường hợp vi phạm thì có thể xử lý về mặt hình sự. Như vậy, công việc, trách nhiệm của từng ngành, địa phương đã được chỉ rõ.
Sắp tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định có quy định về quản lý cát, sỏi ở lòng sông. Trong đó, Bộ đã đề xuất một số công việc cụ thể sau: quản lý cát sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng sông; thống nhất quản lý, cấp phép thăm dò và khai thác theo lưu vực; quy định trách nhiệm quản lý lòng sông một cách chặt chẽ, với hệ thống 4 khâu từ quy hoạch, quản lý đến thăm dò, khai thác.
"Trong đó, cấp phép thăm dò, khai thác phải thông qua hình thức đấu giá. Đây là nội dung mà Nghị định sắp tới ban hành" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh giải pháp này.
Có lộ trình cụ thể để ứng phó biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Về ứng phó biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và đã ban hành các nghị quyết có liên quan về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược về biến đổi khí hậu. Trong đó đã tập hợp các ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long để ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP 2017 về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên thực tế, Nghị quyết 120 đang được triển khai, cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ giao chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoàn thành cụ thể. Về nguồn vốn, hiện nay dự kiến là khoảng 12 nghìn tỷ đồng để triển khai kế hoạch này và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.
"Hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất các nhiệm vụ rất cụ thể, trên tinh thần là tiếp cận, quản lý tổng hợp vùng đối với Đồng bằng Cửu Long" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Song song với quá trình xây dựng chương trình hành động với các dự án này, hiện nay chúng ta đang triển khai dự án của Ngân hàng Thế giới, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tập trung vào vấn đề thí điểm các mô hình sinh kế, liên quan đến hoàn thiện các cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản, xây dựng trung tâm tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long về dữ liệu với các dự án này.
Hiện nay, các dự án đang triển khai. Chính phủ đã chi trên 1.500 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển và thời gian tới, Quốc hội sẽ thông qua bố trí nguồn kinh phí chi cho các hoạt động này.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng lại quy hoạch này. "Và tôi cho rằng lần này, nếu quy hoạch này được xây dựng thì chúng ta sẽ có danh mục rõ ràng những việc cần phải làm đối với Đồng bằng sông Cửu Long, từ vấn đề nghiên cứu cho đến vấn đề triển khai thực tế" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Chưa quyết liệt trong quản lý, chuyển đổi đất đai nguồn gốc nông lâm trường
Đối với chất vấn của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) về vấn đề quản lý, chuyển đổi đất đai nguồn gốc nông lâm trường, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là vấn đề nóng, đã có 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị, 1 Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về vấn đề này.
Bộ trưởng cho biết, đến nay, đã rà soát 745 nông lâm trường, quy hoạch lại 252 nông lâm trường và Thủ tướng đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các tập đoàn, tổng công ty nông lâm trường... Thời gian sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị (dự kiến ở Tây Nguyên) để bàn vấn đề này.
Về vấn đề đất đai tại các nông, lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản cũng chưa thực sự quyết liệt, vẫn còn một số chưa chuyển sang được công ty nông lâm trường.
"Lý do chính hiện nay là tình trạng tranh chấp, khiếu kiện nên không thể chuyển đổi. Đặc biệt, nhiều công ty nông trường hiện nay trong tình trạng lỗ, cổ phần hóa không được. Bên cạnh đó, khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần thì vấn đề giải quyết quyền lợi của người dân như nào, vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thế nào... Đây là những vấn đề hết sức phức tạp" - Bộ trưởng đánh giá.
Ngoài ra, hiện nay ở nhiều địa bàn, trong vấn đề quản lý đất đai nông lâm trường, đối với các khu bảo tồn, cơ chế giao cho người dân chưa phù hợp. Do đó, người dân không thể bảo vệ. "Chắc chắn là đất đai nông lâm trường và đất đai các khu rừng phòng hộ sẽ không bảo vệ được nếu như chúng ta không có chính sách hợp lý để người dân có thể sinh sống từ rừng và bảo vệ rừng" - Bộ trưởng đặt vấn đề.