Phóng viên TTXVN tại Sơn La, Thanh Hóa và Long An đã ghi nhận ý kiến của cử tri.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn
Là người thường xuyên theo dõi các kỳ họp của Quốc hội, cử tri Võ Thanh Nghị, cán bộ hưu trí ở thành phố Tân An, tỉnh Long An bày tỏ hài lòng, đồng tình với phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Theo cử tri Võ Thanh Nghị, nội dung chất vấn khá phong phú, đại biểu chất vấn ngắn gọn, thẳng thắn và đi vào trọng tâm, người được chất vấn phần lớn trả lời tốt các nội dung được đặt ra. Đồng thời, hoạt động tranh luận, phản biện diễn ra khá sôi nổi, giúp các vấn đề được "mổ xẻ" đến cùng, cử tri theo dõi dễ hiểu.
Đặc biệt, điểm mới ở các phiên chất vấn ở kỳ họp này là tất cả thành viên Chính phủ đều tham dự, đại biểu Quốc hội chất vấn nội dung liên quan đến lĩnh vực nào thì bộ trưởng, trưởng ngành đó có trách nhiệm trả lời, giải trình chứ không giới hạn trong các nhóm vấn đề cụ thể. Các vị đại biểu dựa trên cơ sở nắm bắt vấn đề, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri để đặt ra nhiều câu hỏi sát thực, cụ thể vào các vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, thể hiện được vai trò của người đại biểu nhân dân.
Cử tri Võ Văn An, Chủ tịch Hội ngành nghề nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La đánh giá, các đại biểu Quốc hội đã nâng cao trách nhiệm của mình, đặt câu hỏi chất vấn sát thực tế. Nhiều ý kiến chất vấn đã thể hiện được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đối với người trả lời, các câu trả lời đã sát và đúng thực tế hơn. Phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội được đánh giá tốt, dân chủ, sâu sát, rõ ràng. Đặc biệt có những vấn đề bức xúc, nổi cộm, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành làm rõ ngay. Theo cử tri Võ Văn An, ngoài trách nhiệm của các bộ, ngành trong thời gian tới Quốc hội cũng nên xem xét để những địa phương liên quan đến những vấn đề nổi cộm cũng cần phải trả lời, vì đó là nơi trực tiếp xảy ra vấn đề. Cùng với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương là cơ quan có trách nhiệm giám sát, tiếp thu ý kiến của tri, nếu cần thiết cũng phải trả lời trước Quốc hội.
Còn cử tri Nguyễn Hoàng Hạnh (huyện Thủ Thừa, Long An) cho rằng, những kỳ họp tới, Quốc hội nên duy trì hình thức chất vấn và trả lời chất vấn như vậy để cử tri theo dõi, nắm bắt. Tuy nhiên, bên cạnh các đại biểu, thành viên Chính phủ nêu câu hỏi và câu trả lời một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, vẫn còn một số vị phát biểu khá lòng vòng khiến chủ tọa phải nhắc nhở. Các đại biểu, thành viên Chính phủ thời gian tới cần rút kinh nghiệm, phát biểu đúng vào thực chất vấn đề để cử tri tiện theo dõi...
Bên cạnh đó, sau khi kỳ họp kết thúc, những vấn đề đã được Quốc hội nêu ra, phân tích, tranh luận, các cấp, ngành cần thực hiện ngay những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề; tránh trường hợp nêu ra rồi để đó, đến kỳ sau lại tiếp tục chất vấn.
Cử tri Đặng Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đánh giá: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội rõ ràng, ngắn ngọn, đi thẳng vào trọng tâm, chất vấn được nhiều thành viên Chính phủ.
Nêu bật được những vấn đề cử tri quan tâm
Cử tri Cầm Xuân Ế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La cho biết, qua theo dõi phần chất vấn trong kỳ họp Quốc hội lần này, ông nhận thấy đại biểu Quốc hội, chủ tọa đến các thành viên Chính phủ đều đã nêu bật được những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.
Trong phiên chất vấn chiều 31/10, là một người lính từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, cử tri Cầm Xuân Ế rất quan tâm đến vấn đề của đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu lên tại địa phương này còn hơn 160 trường hợp hy sinh nhưng chưa được công nhận liệt sĩ. Theo cử tri Cầm Xuân Ế, dù là liệt sĩ ở thời điểm nào thì cũng cần được công nhận và chính quyền địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm vì đây là nơi hiểu rõ nhất. Không những thế đây là chính sách hậu phương quân đội, một chính sách lớn có ý nghĩa. Vì vậy mong Quốc hội có chỉ đạo kiên quyết để giải quyết vấn đề này một cách hợp lý.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La cũng góp ý thêm, đó là Quốc hội thảo luận, chất vấn thẳng thắn và rất tốt, tuy nhiên tại Hội đồng nhân dân một số địa phương lại chưa được như vậy. Vì vậy, cần có những thay đổi trong phương pháp chất vấn, trả lời chất vấn ở các cấp còn lại để thực sự hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Cử tri Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Các vấn đề "nóng" được các đại biểu chất vấn và được các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, không né tránh, thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao của các Bộ trưởng. Về việc còn những hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ chưa được giải quyết, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ phối hợp với các địa phương đã cơ bản giải quyết các hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Riêng đối với tỉnh Bắc Giang có những trường hợp liệt sĩ đã có đủ thủ tục hồ sơ nhưng chưa được giải quyết, Bộ cũng sẽ làm việc với tỉnh để giải quyết những vướng mắc như đại biểu có đề cập. Điều đó cho thấy Bộ trưởng rất có trách nhiệm đối với vấn đề thực hiện chính sách với người có công.
Theo cử tri Đặng Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, ông rất ấn tượng với phần chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An về vấn đề hồ đập xuống cấp. Đây cũng là vấn đề "nóng" và có nhiều tỉnh, thành có vướng mắc nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời khá rõ, nắm số liệu rất chắc. Bộ trưởng đã nêu tổng số lượng hồ đập xuống cấp, số hồ đập đã được hỗ trợ sửa chữa và kế hoạch sữa chữa những hồ đập trong thời gian tới.