Xây dựng gia đình an toàn, bình đẳng giới
Chăm lo xây dựng gia đình "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII cũng đề cập tới nội dung phụ nữ vun đắp giá trị gia đình.
Về tiêu chí "văn minh", có thể hiểu, gia đình "văn minh" là gia đình luôn chấp hành, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương và nội quy, quy ước tiến bộ khác của cộng đồng mà mình là thành viên. Trong gia đình văn minh, các thành viên đều được tôn trọng, đối xử bình đẳng, được phát huy quyền cơ bản của bản thân. Mọi người trong gia đình cư xử với nhau nhẹ nhàng, nhân văn, không có sự áp đặt, cưỡng ép hoặc bạo hành về thể xác, tinh thần.
Khẳng định vai trò đặc biệt của gia đình đối với mỗi cá nhân và xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, sự ổn định của gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Minh Thi, gia đình Việt Nam hiện gồm có 3 nhóm chính: xu hướng bảo lưu các giá trị truyền thống; sự biến đổi và hình thành một số giá trị gia đình; tồn tại khác biệt giới rõ nét trong giá trị gia đình. Xây dựng gia đình an toàn rất quan trọng trong bối cảnh có những nguy cơ cũ và mới cùng nảy sinh trong xã hội. Gia đình có môi trường sống an toàn để cá nhân được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành; là nơi mang đến an toàn về cảm xúc, giúp cân bằng tâm lý-tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống bằng tình yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và gắn kết.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, tiêu chí xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" đã bao hàm khá đầy đủ, toàn diện các nội dung, phù hợp trong tình hình mới. Trong đó, các tiêu chí đều có sự gắn kết, liên quan, bổ sung, ràng buộc chặt chẽ với nhau, khó có thể tách rời; chỉ cần thiếu một trong các tiêu chí kể trên, mẫu hình gia đình hiện đại đã không còn thật sự trọn vẹn. Để phấn đấu xây dựng mỗi gia đình hiện đại theo chuẩn tiêu chí trên, đòi hỏi từng thành viên trong gia đình phải nỗ lực, chung tay, đóng góp cả công sức lẫn trí lực, tâm huyết, mà vai trò của người phụ nữ đặc biệt quan trọng.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đây là một Luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, có liên quan đến nhiều vấn đề đang được điều chỉnh bởi các luật khác về trẻ em, về người cao tuổi, về hôn nhân gia đình. Việc kế tục, phát huy được những quy định pháp luật sẵn có và thiết kế được những điều luật mới vừa đảm bảo hợp lý, thống nhất không phải việc đơn giản.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Dự thảo luật được xây dựng để phát huy truyền thống văn hóa của gia đình trên cơ sở thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, không thể rập khuôn máy móc, sao chép các luật của quốc gia khác mà phải kế thừa, phát huy những giá trị này để phòng, chống, để giữ được gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Dự thảo luật đã đề ra những quy định mang tính đột phá trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có ưu tiên đến nhóm người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi... Tuy nhiên, theo bà Hương, để các quy định của luật đảm bảo tính khả thi, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Gia đình tốt, xã hội mới tốt
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực đạo đức có giá trị tốt đẹp. Những truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, kính già, yêu trẻ, tình nghĩa, thủy chung, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước quán triệt trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng và trong các bộ luật liên quan, với các nội dung hướng tới việc củng cố vị trí, vai trò và chức năng của gia đình.
Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển. Gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có sự "no ấm, bình đẳng, tiến bộ" mà còn là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, gia đình yên ấm hạnh phúc là điều kiện, tiền đề quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách và bảo đảm cho lao động sáng tạo đạt hiệu quả cao nhất.
Khẳng định ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ dân tộc nào, phụ nữ và trẻ em luôn giữ vị trí đặc biệt. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nêu rõ, có phụ nữ chúng ta mới xây dựng được tổ ấm gia đình, dân tộc mới trường tồn, xã hội mới phát triển và trẻ em là tương lai của mỗi gia đình, mỗi dân tộc và cả nhân loại. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất trăn trở với những vấn đề xã hội gây mất an toàn cho phụ nữ, trẻ em hiện nay.
Trước tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với từng gia đình, nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do sự tác động của mặt trái xu thế toàn cầu hóa, nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình chưa đầy đủ, những giá trị của gia đình truyền thống chưa thật sự được quan tâm, chưa thấy hết và khai thác tốt tiềm lực kinh tế gia đình.
Theo các nhà nghiên cứu, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, của các gia đình và của toàn xã hội. Trong đó, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức khó khăn về gia đình và công tác gia đình; xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.