Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, trao truyền các giá trị văn hóa, ứng xử và cũng là nền tảng cho mỗi người chúng ta. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, gia đình vẫn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân Việt Nam. Gia đình không chỉ là nơi đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước mà con là đơn vị kinh tế năng động, là môi trường kết nối các thể hệ, gìn giữ và phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống.

 

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm là muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng tế bào gia đình phải phát triển bền vững. Đã nhiều năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 được tuyên truyền sâu rộng hơn, trở thành một ngày kỷ niệm quan trọng của nhiều gia đình, gắn với văn hóa ứng xử trong gia đình, với trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Bộ VH,TT&DL với chức năng quản lý nhà nước về gia đình tiếp tục hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, các kiện văn hóa gia đình theo chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ VH,TT&DL đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

 

 

Bên cạnh các tiêu chí “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” được áp dụng chung cho các thành viên trong gia đình, thì Bộ tiêu chí còn có các tiêu chí cụ thể bao gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.

Sau thời gian thí điểm, Bộ tiêu chí hiện đã được đưa vào thực hiện chính thức trên toàn quốc. Nhiều địa phương triển khai rất sáng tạo, được hàng chục ngàn gia đình đăng ký thực hiện, đang dần tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và hành động góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

 

 

 

 

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ VH,TT&DL ban hành nhằm vận động, tuyên truyền, giáo dục, định hướng... Trên thực tế, bộ tiêu chí này là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại từ ngàn đời. Sự ra đời của bộ tiêu chí ứng xử chỉ là cách để nhắc nhở, đồng thời để các thành viên trong gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức hơn về cách giao tiếp, chia sẻ lẫn nhau. Xã hội nào cũng có cái tốt, cái xấu đan xen. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để loại bỏ những tác động tiêu cực, truyền tải những nguồn thông tin tích cực.

 

Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà không ít gia đình Việt Nam đã và đang phải đối mặt chính là vấn nạn bạo lực gia đình. Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.

Thời gian gần đây, một số vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng như: Vụ án “dì ghẻ” bạo hành bé gái 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh; con gái giết cha ruột bằng thuốc độc tại Bà Rịa - Vũng Tàu; bố ném con gái 5 tuổi xuống sông tại Quảng Nam; anh giết em trai do mâu thuẫn tại Cà Mau,... Những vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng được các báo đài liên tiếp đưa tin đã gây căm phẫn trong dư luận, không ít người lo lắng về hiểm họa của bạo lực gia đình xâm phạm đến quyền cơ bản nhất của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

 

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do một số quy định, chính sách của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, thời gian qua Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản quan trọng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là những quy định mang tính nhân văn, bảo vệ các thành viên yếu thế như người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ có thai và các thành viên khác trong gia đình. Đồng thời duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Từ những lý do nêu trên, có thể thấy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành là cần thiết.

 

Những điểm mới trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa 3 chính sách đã được thông qua, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Chiều ngày 27/5/2022, trong chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Ngày 31/5/2022, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật. Tại 19 Tổ, đại biểu Quốc hội đã có 123 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội rất tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều ý kiến góp ý vào các Điều, khoản cụ thể.

 

Trong đó, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Một số ý kiến đề nghị việc sửa đổi dự án Luật cần tăng tính hiệu lực, hiệu quả, khả thi trong việc bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; bổ sung quy định về bạo lực gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng miền; bổ sung các quy định về vấn đề bạo lực gia đình đối với người đồng tính, song tính, lưỡng tính, chuyển giới, liên giới tính, đa dạng giới…; tiếp tục nghiên cứu quy định đối với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, khu vực có trình độ dân trí cao; rà soát để giữ lại các quy định đang thực hiện ổn định, hạn chế sửa đổi khi chưa tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả của các quy định kiến nghị sửa đổi.

 

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo hiện quy định các hành vi bạo lực gia đình theo 4 nhóm hình thức là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng hiện nay.

Tuy nhiên, một hành vi bạo lực gia đình (ví dụ bạo lực tình dục) có thể gây ra những thương tổn khác nhau đối với người bị bạo lực gia đình, bao gồm cả thể chất, tinh thần, kinh tế, vì vậy rất khó phân loại một cách tuyệt đối. Bên cạnh đó, cùng là hành vi bạo lực song mức độ thương tổn cũng rất khác nhau.

Cơ quan soạn thảo nhận thức rằng Luật hiện hành có 9 nhóm hành vi bạo lực, qua quá trình thực hiện, Cơ quan soạn thảo đã rà soát bổ sung thêm 9 nhóm hành vi, nâng số nhóm hành vi bạo lực gia đình lên 18 nhóm. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình trong Dự án Luật cần cụ thể để đảm bảo tính minh bạch và khả thi trong quá trình thi hành, khắc phục tình trạng luật khung, trên nguyên tắc không bỏ sót hành vi bạo lực.

 

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

 

Bài: Lê Sơn (thực hiện)
Ảnh, Infographic: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

28/06/2022 11:05