Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk có gần 80 mét khối gỗ thuỷ tùng (thông nước), thuộc nhóm gỗ quý hiếm đang nằm ngoài trời, phơi nắng, dầm mưa... chờ mục, gây nhiều lãng phí.
Hàng chục mét khối gỗ thủy tùng phơi mưa nắng tại Nhà văn hóa huyện Krông Năng. Ảnh: laodong.com.vn |
Theo ông Y Rít Buôn Yắ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, số gỗ thuỷ tùng trên là do lực lượng kiểm lâm ở các huyện Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Búk...truy quét, thu giữ của các đối tượng trục vớt, khai thác, vận chuyển trái phép từ năm 2009 đến nay. Chỉ riêng tại huyện Krông Năng, nơi trung tâm của cây thuỷ tùng, lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục lóng gỗ thuỷ tùng, với tổng khối lượng trên 47,6 mét khối. Toàn bộ số gỗ này được chất thành đống trong khuôn viên Trung tâm văn hoá, thể thao huyện Krông Năng, để cỏ mọc um tùm, mối mọt “đục đẽo”.
Các địa phương (có thu giữ gỗ thuỷ tùng) cũng đã có các văn bản xin UBND tỉnh cho chủ trương thanh lý bán đấu giá, hoặc chuyển về tỉnh để xử lý, bảo quản nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Theo các doanh nghiệp kinh doanh gỗ, hiện nay, giá gỗ thuỷ tùng khá cao, mỗi mét khối từ 100 triệu đồng trở lên.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, thuỷ tùng có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, thuộc nhóm 1A, nhóm thực vật rừng quý hiếm. Trên thế giới chỉ còn tồn tại khoảng 250 cây thủy tùng ở một số xã của các huyện Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Búk. Chính phủ cũng đã có Nghị định 32 nghiêm cấm khai thác, sử dụng loài cây này vào mục đích thương mại.
Quang Huy