Trong những ngày này, trên công trường đường vành đai 3 của Hà Nội (đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm, giai đoạn 2) không khí lao động thật khẩn trương, mọi công tác chuẩn bị cho lễ thông xe đã hoàn tất. Đây cũng là một trong những công trình chào mừng 58 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10.
Giải tỏa tình trạng ách tắc
Dự án đường vành đai 3 của thành phố Hà Nội (đoạn Mai Dịch – Bắc hồ Linh Đàm, giai đoạn 2) được khởi công xây dựng từ tháng 6/2010 với tổng chiều dài khoảng 8.912m, bao gồm 385m đường dẫn và 8.527m cầu cạn chạy suốt. “Ngày 20/10 tới, Bộ GTVT sẽ làm lễ thông xe toàn tuyến và chính thức đưa vào sử dụng.
Khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường của Hà Nội, đặc biệt nó sẽ giải tỏa được tình trạng ách tắc giao thông ở các nút Thanh Xuân, Trung Hòa, Lê Văn Lương…
Đây cũng là dự án trọng điểm về đích sớm hơn so với thời gian qui định và chúng tôi đang đề nghị Chính phủ tặng thưởng cho các nhà thầu có thành tích xuất sắc trong việc thi công, hoàn thành sớm dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Hồng Trường khẳng định. Tiêu chuẩn kỹ thuật chính của dự án đường vành đai 3 được dựa trên tiêu chuẩn TCXDVN 104-2007 “Đường đô thị - Yêu cầu Thiết kế” và tiêu chuẩn TCVN 5729-97 “Đường cao tốc – Yêu cầu Thiết kế”.
Dự án được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, mặt cắt ngang 4 làn xe, chiều rộng mặt cầu 24m. Có bố trí các nhánh nối rẽ ra, vào tại các nút giao Mai Dịch, Trung Hòa, Thanh Xuân. Tải trọng thiết kế HL93, người đi bộ 300 kg/m2, kết cấu nhịp dầm super T, chiều dài nhịp thay đổi từ 21m-40m, bản mặt liên tục nhiệt. Kết cấu phần dưới sử dụng trụ cột hình chữ T, cọc khoan nhồi đường kính D=1,0 và D=1,5m. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Việc đưa vào sử dụng tuyến đường vành đai 3 sẽ đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, giao thông của thành phố Hà Nội và các khu vực lân cận. Góp phần nâng năng lực vận chuyển của tuyến đường, đặc biệt tuyến từ phía nam và đông bắc chạy qua trung tâm Hà Nội ra sân bay quốc tế Nội Bài.
Đường vành đai 3 (gói thầu số 1). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp chính và đến thời điểm này, gói thầu số 3 (đoạn Thanh Xuân - Bắc hồ Linh Đàm) có tổng chiều dài 3.267m do liên danh Tổng công ty xây dựng Thăng Long (TLG), Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO8), Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) thi công đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2012. Gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa) dài 3.575m do liên danh SAMWHAN - CIENCO 4 thi công cũng đã hoàn thành trên 95% khối lượng công việc; gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) dài 2.070m do Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui thi công cũng đã hoàn thành 96,5% khối lượng.
Chánh Văn phòng Bộ GTVT, Nguyễn Văn Lưu cho biết: Gói thầu số 1 và gói thầu số 2 sẽ hoàn thành trước ngày 30/10, rút ngắn so với tiến độ đặt ra ban đầu là 8 và 15 tháng. Dự kiến, ngày 20/10, Bộ GTVT sẽ tổ chức thông xe toàn bộ dự án đường vành đai 3 giai đoạn 2, từ Mai Dịch đến Bắc hồ Linh Đàm.
Theo chân các kỹ sư, công nhân trên công trường chúng tôi được chứng kiến cảnh lao động hối hả của các nhà thầu đã thi công xong phần chính tuyến của dự án và đang thi công hoàn thiện các nhánh rẽ, nút giao thông, hệ thống biển báo chỉ dẫn giao thông và công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường, cảnh quan dưới gầm cầu.
Ở gói thầu số 3, do được triển khai xây dựng trước tiên nên sau ngày khởi công các nhà thầu TLG; CIENCO8; CIENCO4 đã nhanh chóng triển khai các thi công trên công trường. Trong một thời gian ngắn với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể các cán bộ và công nhân thuộc CIENCO4 và TLG đoạn từ trụ P215 – P221 cùng với tiểu dự án kết nối tạm đã được hoàn thành có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cho phép đưa vào khai thác sử dụng ngay hai gói thầu chính của dự án cầu Thanh Trì ở gói thầu 3 và 3A, giải quyết ách tắc giao thông tại ngã 3 Pháp Vân.
Đảm bảo chất lượng, kỹ thuật
Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Hồng Trường cho biết: Trong quá trình xây dựng các gói thầu số 1, 2, 3, các nhà thầu đã tập trung và nỗ lực thi công, đồng thời tư vấn giám sát cũng đã có nhiều cố gắng bám sát công trường để hướng dẫn nhà thầu thi công, tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật, giải quyết ngay các vướng mắc về thủ tục, thực hiện công tác nghiệm thu chuyển bước thi công kịp thời.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT cũng như sự nỗ lực của các đơn vị nhà thầu, sự giám sát chặt chẽ, đúng quy định, đúng các yêu cầu kỹ thuật trong tiêu chuẩn dự án, sự phối hợp chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ GTVT, dự án đường vành đai 3 của thành phố Hà Nội (đoạn Mai Dịch – Bắc hồ Linh Đàm, giai đoạn 2) đã vượt tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật. Việc đưa gói thầu số 3 vào sử dụng dịp cuối tháng 6 vừa qua và tới đây là hai gói thầu còn lại sẽ tạo ra một tuyến đường cao tốc trên cao dài 28,053 km từ cầu Phù Đổng đến Mai Dịch, góp một phần nhỏ trong nỗ lực của Bộ GTVT nhằm giảm bớt ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thủ đô.
Việc đưa vào sử dụng toàn tuyến dự án đường vành đai 3 giai đoạn hai có ý nghĩa rất lớn đối với giao thông Hà Nội. Khi công trình đi vào khai thác sẽ kết nối ba trục giao thông huyết mạch ở khu vực phía bắc gồm quốc lộ 1, quốc lộ 5 và Ðại lộ Thăng Long, giảm ùn tắc giao thông khu vực từ Thanh Xuân đến Linh Ðàm. Mặc dù tiến độ của dự án được rút ngắn, nhưng quy trình quản lý chất lượng và an toàn lao động vẫn được đặt lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm túc, xuyên suốt toàn bộ dự án. Ông Hirôaki Mucaichi, đại diện tư vấn dự án khẳng định, cam kết vượt tiến độ không đồng nghĩa với việc nới lỏng quản lý chất lượng và an toàn lao động. Như vậy, toàn tuyến đường cao tốc đô thị trên cao của thủ đô đã hoàn thành, đi vào khai thác.
Nguyễn Viết Tôn