Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo giao thông hướng đông nam Hà Nội. Khởi công từ 10/10/2011, đến nay dự án đang bị chậm tiến độ khoảng 2 tháng do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng tại các quận Hà Đông, Đống Đa, Thanh Xuân. Trước thực tế này, thành phố Hà Nội đã đưa ra quyết tâm giải quyết những tồn tại, để có thể sớm hoàn thành dự án.
Kẹt ở giải phóng mặt bằng
Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT) cho biết: Đến nay dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã thi công được 252 thân trụ cầu (57% khối lượng), 73% cọc khoan nhồi và hoàn thành 50% khối lượng công tác xử lý nền đất yếu và san lấp mặt bằng 8,2 ha trong khu Depot. Các nhà thầu cũng đang triển khai thi công kết cấu phần dưới 5 nhà ga gồm: La Thành, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, Hà Đông, La Khê. Khó khăn lớn nhất của dự án là mới giải phóng được 9,2 km/13,1 km.
Thân trụ cầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: LP |
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang gặp khó khăn tại địa bàn Hà Đông với điểm di dời nghĩa trang Vân Nội và bàn giao mốc GPMB qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, hạ ngầm đường điện cao thế đoạn La Thành - Láng... Hiện các hạng mục đã chậm khoảng 2 tháng so với tiến độ yêu cầu. “Nếu trong thời gian tới, công tác này vẫn tiếp tục chậm trễ, không đảm bảo được các mốc tiến độ đã xác định thì nhiều khả năng dự án sẽ không hoàn thành đúng tiến độ”, ông Trần Văn Lục lo ngại.
Ông Trần Văn Lục cho biết thêm: Kế hoạch của dự án trong năm 2013 gồm thi công trụ cầu đạt 80%, lao dầm đạt 40% (tương đương 5,2 km/13,1km), hoàn thành 50% kết cấu chính của 12 nhà ga. Đây là khối lượng công việc lớn nên Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị sớm phê duyệt quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực 47 Cát Linh và nút giao thông Cát Linh - Giảng Võ - Giang Văn Minh (trong đó có ga Cát Linh)... ; đồng thời, đề nghị giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại Cát Linh để Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) có đối tác để thống nhất phương án kỹ thuật, khớp nối tiến độ giữa 2 dự án theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch kiến trúc. Để có đủ mặt bằng thi công các trụ cầu và nhà ga Văn Khê trên quốc lộ 6, đề nghị TP Hà Nội cho phép GPMB đồng thời dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với dự án mở rộng quốc lộ 6 trong phạm vi chồng lấn giữa 2 dự án. Ban quản lý dự án đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt các địa phương, đơn vị liên quan tích cực thực hiện đảm bảo tiến độ mặt bằng cho dự án theo đúng kế hoạch đã xác định,
Sẽ hoàn thành GPMB trong năm 2013
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông có điểm đầu là ga Cát Linh (ngã 5 Giảng Võ - Cát Linh - Giang Văn Minh và điểm cuối là bến xe Hà Đông mới với tổng chiều dài 13,1 km gồm 12 nhà ga và một khu Depot. Nếu các điều kiện về nguồn vốn, GPMB, đảm bảo theo yêu cầu thì công tác xây lắp có thể hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào 1/3/2015 và 1/6/2015 sẽ vận hành chính thức tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, công tác GPMB cho dự án đường sắt đô thị đi qua địa bàn đang được quận tiến hành khẩn trương. Hiện giai đoạn 1 giải phóng khu Depot với diện tích hơn 232.000 m2, liên quan đến 585 hộ, đã thực hiện xong. Giai đoạn 2 bao gồm đường dẫn vào Trung tâm khu Depot: Di chuyển nâng cao tuyến đường điện 220 kV; mở rộng nghĩa trang Trinh Lương để di chuyển nghĩa trang thôn Vân Nội, đang được triển khai. Với các diện tích thu hồi của các hộ dân trên địa bàn phường Phú La, Phú Lương, Phú Lãm, Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đã thực hiện xong phương án bồi thường và dự kiến bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 7.
“Khó khăn nhất là trong công tác GPMB cho dự án này chính là việc di dời nghĩa trang Vân Nội, bởi theo tập tục truyền thống, việc di dời mộ thường gắn vào cuối năm hoặc đầu năm. Hiện nguồn kinh phí mở rộng nghĩa trang Trinh Lương hơn 50 tỷ đã được duyệt đất và đang đẩy nhanh việc thi công để có thể thực hiện công tác di dời mộ trong tháng 9 và hoàn thành xong trong tháng 12/2013”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.
“Trên địa bàn quận Hà Đông có 6 điểm xây dựng nhà ga, trong đó có 3 điểm thu hồi GPMB, tổng kinh phí để thực hiện GPMB là hơn 203 tỷ đồng, chủ đầu tư đã cấp về tài khoản 165 tỷ đồng. Do đó, để công tác GPMB sớm hoàn thành, Ban Quản lý dự án đường sắt cần bố trí đủ kinh phí theo tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ của toàn dự án xong cơ bản trong tháng 6 và kết thúc trong năm 2013. Đối với các sở, ngành của thành phố Hà Nội, cần đẩy nhanh thủ tục trình UBND thành phố phê duyệt giá đất ở sát giá thị trường để việc thu hồi đất GPMB diễn ra đúng tiến độ”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, cũng cần sớm triển khai đào tạo nhân lực quản lý vận hành dự án đề có thể bàn giao cho thành phố Hà Nội khi hoàn thành. “Bộ GTVT đã đề nghị thành phố Hà Nội sớm thành lập Công ty khai thác, vận hành, bảo dưỡng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (công ty O&M) hoặc chỉ định đơn vị đầu mối trước mắt, để có thể tuyển dụng và bắt đầu đào tạo nhân lực phục vụ công tác quản lý, vận hành tuyến từ tháng 6/2015”, ông Trần Văn Lục cho biết.
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội: Cần tập trung tháo gỡ Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có vai trò quan trọng trong vận tải hành khách hướng đông nam thủ đô, là khu vực mà mật độ tham gia giao thông luôn lớn. Những khó khăn vướng mắc của dự án trong quá trình thi công sẽ được thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ban ngành, quận huyện tập trung giải quyết để đúng tiến độ. Những khó khăn vướng mắc từ cả hai phía sẽ được trao đổi, cùng tìm hướng giải quyết. Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc sở Giao thông vận tải: Đảm bảo an toàn giao thông Trong thời gian thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công; phối hợp tổ chức phân luồng giao thông để giảm ùn tắc như cắm biển cảnh báo, cho phép phương tiện giao thông được phép đi vào tuyến xe buýt. Việc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sớm hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần không nhỏ trong việc lưu thông trên tuyến này. Ông Phạm Trọng Đại, Khương Đình, quận Thanh Xuân: Đẩy nhanh tiến độ tránh ùn tắc Khoảng hơn 1 năm nay, việc thi công trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân sống hai bên tuyến đường do ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Bên cạnh đó việc thi công cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân qua tuyến đường này vào giờ cao điểm. Việc ùn ứ thường xảy ra ở những đoạn đường quây tôn để làm công trường. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công để việc đi lại của người dân thuận tiện. |
Xuân Minh