Trên vùng đất này, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song với khát vọng vươn lên từ bản lĩnh, ý chí và tinh thần đoàn kết, đồng bào các dân tộc anh em luôn tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tích cực xóa bỏ những tập tục lạc hậu, đồng thời giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Để làm rõ hơn những nội dung này, nhóm phóng viên thực hiện chùm 4 bài.
Bài 1: Khát vọng ấm no gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa
Sống tựa mình vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, từ bao đời này người Bru-Vân Kiều, Pa Cô/Tà Ôi, huyện Đakrông (Quảng Trị) chủ yếu sinh sống bằng hình thức tự cung tự cấp. Hoạt động kinh tế chính là đốt nương làm rẫy, với cây trồng chủ đạo là lúa rẫy. Ở đây, đồng bào coi thần linh là một thế lực siêu nhiên vô hình và có khả năng chi phối đến toàn bộ đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt của họ. Họ sùng bái, tôn thờ và tổ chức cúng tế rất trang nghiêm và cầu mong sự che chở, bảo vệ cho cuộc sống của bản làng.
Nghệ nhân Kray Sức, người xã Tà Rụt, huyện Đakrông cho biết, trong nhiều nghi lễ cúng tế của đồng bào có một nghi lễ đặc biệt, đó là lễ cúng thần Đất-cúng Giàng Kute. Người Bru-Vân Kiều gọi là lễ KNẽr/Knér, còn người Tà Ôi/Pa Cô gọi là lễ Tăng Kin. Đây là nghi lễ đặc trưng thể hiện niềm tin về mối quan hệ giao hòa giữa con người với thế giới thực tại. Theo lệ tục, cứ 5-10 năm người dân làm lễ cúng thần Đất một lần và thời gian kéo dài 1 ngày đêm. Lễ vật gồm 1 con trâu, 1 con heo, 1 con gà, 1 chum rượu cần và nhiều gạo nếp.
Từ xưa đến nay, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, Pa Cô/Tà Ôi trên dãy Trường Sơn tỉnh Quảng Trị. Cuộc sống gắn với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Lễ mừng lúa mới cũng bắt nguồn từ đó, là dịp để bà con bày tỏ sự cầu mong của mình với các đấng thần linh đã cho họ những vụ mùa bội thu và cho bản làng cuộc sống đủ đầy. Người Bru-Vân Kiều gọi lễ hội này là Cha Xare/Chađôi Tamay; người Tà Ôi/Pa Cô gọi là Ariêu Ada.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Phương (huyện Đakrông), Lễ hội mừng lúa mới của người Bru-Vân Kiều được tổ chức ở phạm vi làng, xã. Các gia đình cùng nhau góp công, góp sức sắm soạn lễ vật dâng cúng thần linh một cách chu đáo với đầy đủ vật phẩm liên quan đến nông nghiệp, trong đó không thể thiếu là gà, heo và lúa mới.
Tương tự như người Bru-Vân Kiều, lễ mừng lúa mới cùng với tết Ariêu Ada của người Tà Ôi/Pa Cô, được chuẩn bị rất chu đáo. Trong khi phụ nữ giã gạo làm bánh, đi mua những tấm zèng đẹp nhất để dâng lên Giàng và làm quà cho cả gia đình, những người đàn ông vào rừng săn thú, tìm mật ong hay xuống khe bắt cá để mang về phục vụ lễ hội. Sau khi tiến hành đầy đủ các nghi lễ, bà con sẽ ăn uống, chúc tụng nhau, họ nhảy múa ca hát suốt đêm. Những chàng trai, cô gái say sưa trong điệu nhảy truyền thống của dân tộc, trao cho nhau nụ cười hạnh phúc khi đất trời chuyển giao bước sang năm mới. Tết Ariêu Ada cũng là dịp gắn kết bền chặt, nghĩa tình giữa các bản làng cùng chung sống trên dãy Trường Sơn.
Tỉnh Quảng Trị hiện có gần 21.400 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều, Pa Cô/Tà Ôi với gần 97.000 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh. Bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết: So với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh Quảng Trị là 53,26% (tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 7,71%). Giai đoạn 2024-2025, Quảng Trị tập trung cao nhất nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để lồng ghép thực hiện đồng thời ba Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng dân tộc thiểu số; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững cho đồng bào. Riêng năm 2024, tỉnh Quảng Trị dành trên 368 tỷ đồng để thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Gần về phía đồng bằng, người Cơ Tu ở Đà Nẵng sinh sống tập trung tại các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, huyện Hòa Vang luôn thể hiện khát vọng vươn lên của mình trong cuộc sống bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó vũ điệu tung tung dza dzá hay còn gọi là vũ điệu dâng trời đất là đỉnh cao về khát vọng của người Cơ Tu về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ.
Tuy chưa đến 1.500 nhân khẩu, song đồng bào dân tộc Cơ Tu tại đây còn lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được một số hoạt động văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng riêng. Các hoạt động này được giữ gìn, bảo tồn và phát huy gắn với các hoạt động du lịch, góp phần quảng bá văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Già làng Hà Xuân Tám ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang chia sẻ, các hoạt động lễ hội như: Tuần lễ Du lịch Hòa Bắc; Liên hoan Văn hóa – Thể thao và Phục dựng Lễ hội truyền thống người Cơ Tu với các hoạt động như thi trình diễn cồng chiêng, múa tung tung dza dzá; thi ẩm thực, văn nghệ và các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo và biểu diễn giao lưu cồng chiêng được tổ chức hằng năm, thể hiện khát vọng về cuộc sống ngày càng ấm no, đầy đủ đã thu hút đông đảo người Cơ Tu, người dân và du khách đến tham dự. Đây còn là dịp để cộng đồng dân tộc Cơ Tu ở nhiều địa phương trong tỉnh cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các bản sắc văn hóa của dân tộc mình, qua đó loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, làm đa dạng đời sống văn hóa và hỗ trợ, gắn kết giúp đồng bào phát triển kinh tế và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu giai đoạn 2022 - 2030, với kinh phí dự kiến hơn 31 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Đề án nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh; đẩy lùi những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế) Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh, văn hóa các dân tộc thiểu số là một kho tàng nghệ thuật truyền thống dân gian độc đáo, nổi tiếng với những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ với những điệu múa, tiếng hòa tấu của tiếng Trống - Khèn - Cồng - Chiêng - Phèn la - Tù và được thể hiện trong các lễ hội phản ánh tinh thần đoàn kết những tình cảm sâu lắng trong lòng người với sức sống mãnh liệt của đời sống tinh thần.
Huyện A Lưới đã, đang và sẽ tiếp tục chú trọng khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, truyền dạy cho thế hệ trẻ, đồng thời chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Bài 2: Xóa bỏ hủ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống