Dựng lại 'vành đai xanh' ở Nam Trung Bộ - Bài 2: Hồi sinh rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn Nam Trung Bộ suy kiệt khiến tình trạng nước biển xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nguồn lợi thủy sản ven bờ nhiều địa phương bị mất dần.

Chú thích ảnh
Chăm sóc cây rừng ngập mặn ở đầm Ô Loan (Phú Yên). Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Những năm gần đây, người dân, các tổ chức trong nước và quốc tế đã cùng chung tay khôi phục, trồng mới rừng ngập mặn. Nhiều vùng đất bãi bồi trơ trụi, hoang hóa đã được hàng trăm ha cây rừng phủ xanh.

Trồng rừng, hưởng lợi từ rừng

Từ một đầm nước hàng trăm ha trơ trụi, bàu Cá Cái xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã được phủ xanh bởi hàng triệu cây cóc trắng. Rừng cóc trắng bàu Cá Cái được hồi sinh đã tái tạo lại hệ sinh thái đa dạng. Rừng ở đây không chỉ giúp chắn gió, bão, cát biển mà còn thu hút các loài chim đến cư trú, sinh sản. Dưới các luồng lạch, các loài thủy sản như cá, tôm, cua xuất hiện ngày càng nhiều.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Thuận Bùi Minh Của cho biết, Bình Thuận nằm trong Khu kinh tế Dung Quất với nhiều công ty, xí nghiệp. Bàu Cá Cái được phục hồi, đang góp phần hạn chế được gió Đông, bão, ngăn chặn cát bay vào nhà dân; đồng thời, góp phần điều hòa môi trường trong khu vực.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, giai đoạn 2014-2021, địa phương đã thực hiện 3 dự án trồng mới, khoanh nuôi và tái sinh rừng ngập mặn với tổng kinh phí đầu tư khoảng 33 tỷ đồng. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn đã khôi phục được 109,08 ha tại các xã: Bình Thuận, Bình Trị, Bình Đông, Bình Phước (huyện Bình Sơn) với những loài cây như: cóc trắng, đước, dừa nước.

Để giúp người dân có sinh kế bền vững dưới tán rừng, năm 2022, Quảng Ngãi tiếp nhận triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Dự án do Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ, thực hiện trong 24 tháng, với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Người dân trong vùng Dự án được tổ chức tập huấn, truyền thông để hình thành tổ cộng đồng, hướng dẫn phân vùng quản lý. Dự án cũng khảo sát, xây dựng các kết nối giá trị tài sản cá nhân, nhóm, công cộng tại các điểm đến bàu Cá Cái (Bình Thuận) và các điểm du lịch văn hóa, làng nghề ở vùng ven biển Bình Sơn.

Tại Bình Định, từ năm 2003, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển rừng. Ngoài trồng rừng tại Khu sinh thái Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), tỉnh còn mở rộng trồng rừng ngập mặn tại các bãi triều ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh có gần 90 ha rừng trồng mới.

Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định cho biết, những cánh rừng ngập mặn được khôi phục giúp ngăn chặn tình trạng xâm thực, sạt lở và phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Để đa dạng hóa giống cây lâm nghiệp, tạo hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, tạo ra giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt khi đưa ra trồng rừng trên vùng bãi triều ven đầm, Trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp đã khảo nghiệm ươm thử nghiệm 6.000 cây giống mắm biển để phục vụ công tác trồng rừng kết hợp triển khai trồng 2.100 cây đước tại khu vực Cồn Trạng (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, thuộc Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại). Đến nay, Trung tâm trồng xung quanh các hồ nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại và đầm Đề Gi 1,5 triệu cây, với diện tích khoảng 1.000 ha.

Với quyết tâm phủ xanh đầm Ô Loan, đầu năm 2024, Phú Yên đã khởi động Dự án trồng rừng ngập mặn trên đầm với tổng diện tích 50 ha, kinh phí trên 18 tỷ đồng. Trong đó, địa phương đã trồng mới rừng ngập mặn tại xã An Hòa Hải (42,8 ha), xã An Ninh Đông (5,7 ha) và xã An Hiệp (1,5 ha) với các loại cây: bần chua, đước và dừa nước.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Lê Văn Bé cho biết, khi 50 ha cây ngập mặn phát triển thành rừng sẽ cung cấp môi trường sống cho các loài thủy sản trú ngụ và sinh sản; giúp gia tăng, phục hồi đa dạng sinh học, bảo tồn các loài thủy sản quý, hiếm ở đầm Ô Loan. Qua đó, người dân địa phương xung quanh đầm được hưởng lợi từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt

Chú thích ảnh
Cụm cây Mắm quý giá còn sót lại ở khu vực đồng nuôi tôm thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Tỉnh Quảng Ngãi đang đưa vào khai thác du lịch sinh thái trải nghiệm đối với rừng ngập mặn bàu Cá Cái (xã Bình Thuận), rừng dừa nước Cà Ninh (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn) và rừng dừa nước Tịnh Khê (xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi). Trong đó, rừng bàu Cá Cái có hệ sinh thái đặc hữu với loài cây cóc trắng bản địa. Vào mùa Xuân, cóc trắng dệt nên một thảm xanh trải dài; cuối Hạ chuyển sang Thu, cây rụng lá trơ trụi tạo ra một màu trắng tuyết, thu hút đông đảo du khách. Rừng cóc trắng được trồng theo từng luống tầm 2 - 3m ngang, giữa các luống là lối đi, các ghe chở du khách thưởng ngoạn. Nơi đây đã hình thành Tổ cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn bàu Cá Cái có 53 thành viên với các hoạt động như: chèo xuồng, nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dịch vụ du lịch. Hiện mỗi năm, bàu Cá Cái đón hơn 10 nghìn lượt khách đến tham quan.

Bà Lê Thị Nga, khách du lịch tham quan bàu Cá Cái cho biết: Được nghe bạn bè giới thiệu về rừng cóc trắng bàu Cá Cái rất nhiều, tuy nhiên bây giờ, bà mới có dịp đến tận nơi. Bà thấy bất ngờ khi ngay giữa một khu kinh tế công nghiệp phát triển nhộn nhịp lại có hàng trăm ha rừng ngập mặn đẹp như vậy. Thiên nhiên nơi đây thật kỳ vĩ. Đến đây, bà không chỉ được tham quan mà còn được xem người dân đánh bắt thủy sản, trải nghiệm những món ăn đặc sản ngon và thú vị.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Đinh Tiến Dũng, ngoài du lịch biển, đảo, du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn là loại hình được khuyến khích phát triển và được định hướng phát triển thành sản phẩm chủ lực của tỉnh trong thời gian tới. Hiện, mỗi năm có hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan rừng ngập mặn bàu Cá Cái, rừng dừa nước Cà Ninh, Tịnh Khê. Thời gian tới, Quảng Ngãi quan tâm xây dựng thêm các điều kiện để hệ sinh thái rừng ngập mặn tại bàu Cá Cái, Cà Ninh và Tịnh Khê được công nhận điểm du lịch hoặc điểm du lịch OCOP, đảm bảo chất lượng dịch vụ, tăng giá trị, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Đầm Thị Nại tỉnh Bình Định rộng 5.000 ha với hệ thống rừng ngập mặn hơn 1.000 ha. Giữa đầm có 3 cồn nổi gồm: Cồn Chim, Cồn Trạng, Cồn Giá (gọi chung là khu sinh thái Cồn Chim rộng 480 ha). Người dân địa phương thường gọi đây là "ốc đảo xanh" của vùng đất Bình Định. Theo các chuyên gia, đầm Thị Nại, trong đó có Cồn Chim như kho báu sinh thái có giá trị đặc biệt. Nếu được bảo tồn, phát triển đúng hướng, nơi đây sẽ trở thành "lá phổi xanh" của địa phương.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan rừng dừa nước xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Tại Khánh Hòa, rừng ngập mặn Đảo Hoa Lan (xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) được đưa vào khai thác du lịch sinh thái, tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng. Rừng ngập mặn nơi đây là quần xã rừng nguyên sinh cổ quý giá còn sót lại với hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm như: đước, mắm, vẹt, bần chua và các loài chim, cá, tôm, cua. Từ năm 2022, rừng ngập mặn Đảo Hoa Lan được đưa vào khai thác với các hoạt động du lịch trải nghiệm hấp dẫn dưới tán rừng như: chèo thuyền kayak, đi bộ xuyên rừng, câu cá và tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương. Những trải nghiệm này không chỉ giúp du khách thư giãn mà còn hiểu thêm về hệ sinh thái độc đáo của rừng ngập mặn.

Ông Lê Phú Điệp, Giám đốc Khu du lịch Đảo Hoa Lan chia sẻ, tại Khu du lịch Đảo Hoa Lan, đơn vị tự hào được bảo tồn được hơn 7 ha rừng ngập mặn cổ xưa. Mỗi năm, Khu du lịch đón hơn trăm ngàn lượt khách. Để phục vụ tốt hơn, đơn vị đã tiến hành vét luồng lạch, tạo điểm tham quan thuận tiện để du khách có thể dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm rừng ngập mặn. Ngoài ra, đơn vị cũng trồng thêm nhiều cây đước và các loài cây ngập mặn để tăng cường đa dạng sinh học của khu rừng. Nhờ vậy, Khu du lịch đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách.

Bài cuối: Giải pháp phát triển bền vững

Nhóm phóng viên TTXVN tại Nam Trung Bộ
Một nửa hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang bị tổn hại
Một nửa hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang bị tổn hại

Một nghiên cứu được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) công bố ngày 22/5 đã làm sáng tỏ tình trạng nguy cấp của hệ sinh thái rừng ngập mặn trên toàn thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN