Theo ông Phan Chu Nam, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên), điểm cung cấp nước ngọt này có thể phục vụ 5.000 nhân khẩu ở ấp An Thạnh, xã An Khánh và một số xã lân cận thuộc huyện Châu Thành trong giai đoạn khẩn cấp hiện nay. Hệ thống này có khả năng cung cấp lưu lượng nước ngọt khoảng 300 m3/ngày cho người dân trong xã. Nguồn nước được lựa chọn để triển khai lắp đặt điểm cấp nước ở xã An Khánh từ 3 giếng khoan của các tầng chứa nước ở các độ sâu từ 300 - 450 m.
Sau khi nước được khai thác lên từ giếng khoan ở độ sâu 300 - 450 m từ các tầng chứa nước dưới lòng đất, nguồn nước được đưa vào bồn lắng, rồi qua hệ thống cột lọc xử lý ngược, đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế.
Ngay sau khi đưa vào sử dụng, đông đảo người dân trên địa bàn xã An Khánh đã đến lấy nước về dùng cho sinh hoạt. Ông Đỗ Văn Lập, ấp 7, xã An Khánh chia sẻ: Hiện, người dân trong xã rất thiếu nước sinh hoạt mặc dù thời gian qua có nhiều đơn vị hỗ trợ nước cho địa phương. Do vậy, việc có điểm lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt này, người dân ở đây rất phấn khởi vì không còn phải sử dụng nước nhiễm mặn.
Theo kết quả điều tra, đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên, trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có 7 tầng chứa ở các độ sâu khác nhau từ 20 - 450 m, với tổng trữ lượng tiềm năng nước ngọt khoảng 70.000 m3/ngày; trong đó, trữ lượng có thể khai thác khoảng 6.000 m3/ngày.
Do đó, về lâu dài, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia và tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp để xây dựng các giải pháp quan trắc, giám sát và bảo vệ nguồn nước dưới đất quý giá này một cách nghiêm ngặt, phục vụ trong những tình huống khẩn cấp về hạn hán và xâm nhập mặn.
Bến Tre là một trong năm tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã công bố tình trạng khẩn cấp về hạn, mặn. Hiện nay, các cấp chính quyền của tỉnh đang nỗ lực triển khai những giải pháp ứng phó, đặc biệt là cung cấp sinh hoạt cho người dân bằng nhiều giải pháp như: Dùng xe bồn chở nước từ nguồn nước các tàu của Hải quân chở từ TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu; kêu gọi sự giúp đỡ của các doanh nghiệp tài trợ máy lọc nước mặn thành nước ngọt.
Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm, thiếu nước ngọt cho ăn uống và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra căng thẳng. Riêng xã An Khánh hiện nay, chưa được tiếp nhận nước ngọt do tàu Hải Quân chở. Hiện tại, có gần 2.000 người trong xã hàng ngày phải chờ để lấy từng lít nước ngọt phục vụ những sinh hoạt tối thiểu cho gia đình.
Ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ngoài điểm cấp nước ngọt ở xã An Khánh, trong tháng 4/2020, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên sẽ triển khai lắp đặt thêm 4 điểm cung cấp nước ngọt miễn phí hỗ trợ người dân ở các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, với lưu lượng từ 700 - 1.000 m3/ngày. Tổng kinh phí đầu tư mua thiết bị, vật tư là hơn 1 tỷ đồng, toàn bộ kinh phí này là do cán bộ nhân viên của 3 đơn vị: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Tổng cục khí tượng thủy văn, Cục quản lý tài nguyên nước đóng góp.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá, đề xuất các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần ưu tiên cấp bách để triển khai điểm cung cấp nguồn nước ngọt trong giai đoạn khẩn cấp hiện nay.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ các địa phương điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt để hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực, thiết bị và chuyên môn kỹ thuật. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá, đề xuất các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần ưu tiên cấp bách đồng thời, cử đơn vị đầu mối tiếp nhận các công trình giếng khoan đã được tìm kiếm, thăm dò.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ giao ngay Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với đồng bằng sông Cửu Long.
Trước mắt, nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho cho người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau, mỗi tỉnh 800 triệu đồng thông qua Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, mặc dù tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng do các công tác dự báo, cảnh báo sớm, sự chủ động phòng chốn của các địa phương nên thiệt hại cho hạn mặn mùa khô năm nay đã được giảm thiểu so với năm 2016.