Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.
Tại Việt Nam, 90% dân số khu vực đô thị, nông thôn vùng đồng bằng đã và đang được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, còn gần một nửa dân số ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Nước sinh hoạt cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Nhiều chương trình, dự án về nước sạch để hỗ trợ bà con vùng cao đã được triển khai nhưng người dân ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất nhiều nơi chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch. Nguyên nhân do số lượng các vùng khan hiếm nước rất lớn, địa hình phân cắt, dân cư phân bố rải rác, nguồn nước và điều kiện cấp nước rất khó khăn. Ngoài ra, còn do việc lựa chọn, đầu tư các mô hình cấp nước phù hợp với tập quán dùng nước, giải pháp công nghệ và giá thành sử dụng nước chưa phù hợp; vận hành và duy trì các nguồn nước còn nhiều bất cập...
Với thực trạng khó khăn về nguồn nước ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, thời gian qua Trung tâm đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể nào để xây dựng các mô hình cấp nước bền vững? Đâu là thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai Dự án, thưa ông?
Thời gian qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao triển khai nhiều nhiệm vụ về điều tra đánh giá, tìm kiếm các nguồn nước để phục vụ xây dựng các công trình cấp nước cho các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước như: Phát hiện và đánh giá khả năng khai thác nhiều nguồn nước tại nhiều vùng khó khăn trọng điểm (tiêu biểu như 6 đảo và cụm đảo Thanh Lân, Trà Bản (tỉnh Quảng Ninh); đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); đảo Hòn Tre, Hòn Chuối (tỉnh Kiên Giang); đảo Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng) và tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Giang, 40 vùng sâu thuộc 10 tỉnh Nam Bộ để phục vụ trực tiếp nhu cầu của cộng đồng dân cư tại nhiều vùng lãnh thổ góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về cung cấp nước sạch cho dân.
Đặc biệt, Trung tâm mới hoàn thành Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”. Đây là một trong ba Dự án thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện nhằm tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng đảm tính ổn định, lâu dài để xây dựng các mô hình cấp nước bền vững.
Trong quá trình triển khai Dự án, các đảo đều có khoảng cách xa với đất liền, nguồn nước khan hiếm, do đó, khi Trung tâm thực hiện công tác tìm kiếm nguồn nước trên đảo, lãnh đạo, cán bộ và nhân dân trên đảo đều ủng hộ về vật chất và tinh thần, vì thế việc triển khai thi công trên các đảo cơ bản thuận lợi, giảm bớt các khó khăn do điều kiện tự nhiên mang lại.
Chính quyền và nhân dân các địa phương đón nhận các kết quả này như thế nào, đặc biệt là trong các đợt hạn mặn đỉnh điểm vừa qua, thưa ông?
Từ khi lập Dự án đến khi thi công và bàn giao các công trình, người dân và chính quyền các cấp ở các địa phương rất hào hứng và mong đợi sớm có được nguồn nước để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt của bà con mỗi khi mùa khô đến. Do đó, khi tìm kiếm được các nguồn nước có khả năng khai thác đảm bảo chất lượng tại một số vùng do nhu cầu cấp bách mặc dù chưa thể triển khai xây dựng được trạm cấp nước, Trung tâm đã tổ chức bàn giao ngay cho các địa phương để khai dẫn phục vụ cấp nước, giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt.
Điển hình như đợt hạn mặn năm 2020 ở khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, Trung tâm đã khẩn trương lắp đặt kịp thời bàn giao 13 cụm công trình công suất xử lý và cung cấp 4.300 m3/ngày cho khoảng 72.000 người sử dụng nước đảm bảo tiêu chuẩn, cấp nước sinh hoạt miễn phí tại 9 tỉnh thuộc khu vực trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn cho người dân các khu vực vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, Trung tâm sẽ triển khai tiếp những hướng đi nào, thưa ông?
Đảm bảo an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn cho người dân không chỉ là vấn đề thời sự hiện nay ở Việt Nam mà còn cả thế giới, khi mà nguồn tài nguyên quý giá này đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu làm cho nguồn nước ngày càng bị cạn kiệt và ô nhiễm. Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) mới được thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2024 cho thấy việc đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng được chú trọng hơn.
Để triển khai những giải pháp cụ thể để tiến tới việc chủ động nguồn nước sạch đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân, Trung tâm đang hướng tới các giải pháp cụ thể như: Khai thác luân phiên, đa dạng hóa các nguồn nước hiện có để phục vụ cấp nước; cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn để phục vụ cấp nước; chủ động triển khai các công trình trữ nước mặt và trữ nước ngầm trong các tầng chứa nước phục vụ khai thác cấp nước…
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung quy định chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước. Từ những quy định này, việc triển khai những giải pháp giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các vùng khan hiếm nước, vùng sâu, vùng xa sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Một trong những khó khăn đối với các công trình cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước là giá thành sử dụng nước mà người dân phải chi trả; phong tục tập quán sử dụng nước của người dân dẫn đến các công trình cấp nước sau thời gian vận hành không phát huy hiệu quả và kém bền vững.
Về chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 4 Luật Tài nguyên nước 2023: “Nhà nước ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn khan hiếm nước ngọt; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và những người dễ bị tổn thương khác”.
Với những quy định mới được bổ sung trong Luật Tài nguyên nước nêu trên, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án về cấp nước sẽ thuận lợi hơn do được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ, miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo khoản 2 Điều 73 Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Trân trọng cảm ơn ông!