Đưa hàng Tết Việt đến người dân

Nhu cầu mua sắm hàng hóa Tết đã bắt đầu tăng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi có đông công nhân, các doanh nghiệp phân phối đang tăng cường đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến những nơi này.

Bán nhưng… không biết nguồn gốc

Những ngày gần đây các mặt hàng như: quần áo, túi xách, giày dép, thực phẩm chế biến, đồ tiêu dùng… được đưa về các chợ tự phát xung quanh các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) tại TP Hồ Chí Minh khá nhiều. Cứ khoảng 16 giờ chiều hàng ngày, hàng hóa chất đầy trong xe đẩy, xe kéo, ô tô… “không hẹn mà gặp” tụ tập quanh công ty Ponchen (khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân). Không khí mua sắm hàng Tết trở nên nhộn nhịp, náo nhiệt hơn khi công nhân bắt đầu tan ca. Những tốp người đông nghịt quây quanh các quầy hàng bán quần áo được tiểu thương bày bán tràn cả vỉa hè.

Các doanh nghiệp đưa hàng Tết về chợ, các khu công nghiệp phục vụ người dân.

Không thua kém KCN Tân Tạo, hàng hóa đủ loại cũng được bày bán tràn lan tại hơn một chục chợ tự phát xung quanh khu chế xuất Linh Trung, Linh Xuân (quận Thủ Đức). Theo các cơ quan chức năng, thông thường vào dịp gần đến Tết Nguyên đán, các chợ tự phát trong KCN - KCX mọc lên nhanh chóng, rất nhiều con đường xung quanh KCN - KCX phải đón nhận một lượng lớn “tiểu thương di động” mang hàng về đây bán cho công nhân lao động.

Bà Lê Thị Tám (quê Nam Định), người có thâm niên làm nghề buôn bán quần áo tại chợ tự phát gần khu chế xuất Linh Trung, cho hay: “Gần Tết nhu cầu mua sắm cao hơn ngày thường cho nên phải tăng lượng hàng và mẫu mã nhằm thu hút công nhân lao động. Tâm lý của công nhân là không muốn đi đâu xa mua cho đắt đỏ, quần áo chỉ cần giá cả phải chăng, vừa đẹp vừa rẻ là họ sẽ mua nhiều”. Về nguồn gốc, xuất xứ các loại quần áo mà bày bán, bà Lê Thị Tám nói: “Buôn bán nhiều năm vậy thôi chứ thực ra tôi cũng không biết nguồn gốc hàng hóa mình bán từ đâu ra. Khi hết hàng, tôi thường lên các chợ đầu mối như An Đông, Bình Tây… để lấy hàng. Do mối quen nên họ thường lấy giá “khá mềm”, khi mình hỏi họ hàng hóa sản xuất ở đâu, họ nói ở đó thì mình biết vậy chứ cũng chả cần biết để làm gì. Miễn sao lấy hàng thiệt rẻ để bán giá rẻ, công nhân họ mới mua hàng của mình”.

Chị Phan Thanh Thu, công nhân may làm việc trong khu chế xuất Linh Xuân, cho biết do thời gian làm việc bận rộn nên hầu như các công nhân thường mua đồ gần nơi ở hoặc gần nơi làm việc.Tuy nhiên những “chợ trời” này thường bán hàng trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ và thậm chí là cả hàng “rởm”. “Tìm các cửa hàng tiện ích, siêu thị trong khu chế xuất như “mò kim đáy biển”. Cơ quan chức năng và chính quyền cần phát triển các địa chỉ bán hàng đảm bảo, an toàn để công nhân thuận tiện hơn trong mua sắm cũng như tiếp cận được hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc. Hàng hóa tại các chợ tự phát quanh các KCN - KCX hiện nay chúng tôi vừa dùng, vừa lo”, chị Thu cho biết.

Đưa hàng chất lượng về tận nơi

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết trên địa bàn quận Thủ Đức có đến 50% là người dân nhập cư cùng với hàng ngàn công nhân làm việc tại hai khu công nghiệp và sinh viên tại làng Đại học quốc gia, chính vì thế nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân rất lớn.

“Dịp Tết này, quận đã có kế hoạch triển khai đồng loạt một số chương trình bán hàng Tết để phục vụ hàng hóa tận nơi cho người dân và học sinh sinh viên, công nhân. Đồng thời kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa tại các điểm chợ tự phát, tránh trường hợp bán hàng không đảm bảo chất lượng cho công nhân, sinh viên”, ông Chiến cho biết. Ông cũng cho biết thêm, sắp tới quận sẽ chủ động kết nối với hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp nhằm đem hàng Việt chất lượng cao đến tận nơi cho người lao động.

Không riêng địa bàn quận Thủ Đức, một số địa phương khác có đông công nhân hay người lao động nghèo cũng đã được các công ty phân phối hàng hóa, doanh nghiệp sản xuất… đưa hàng hóa Tết về phục vụ cho công nhân, người dân, sinh viên. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở đang ưu tiên để các quận - huyện, doanh nghiệp tập trung đưa hàng lưu động về bán tại vùng sâu vùng xa, ngoại thành và các khu công nghiệp. Theo đó, sẽ có khoảng 16 địa điểm và trên 300 chuyến hàng Tết được đem tới các KCN - KCX, vùng sâu vùng xa phục vụ bà con, công nhân. Đặc biệt, sở còn chỉ đạo các đơn vị tham gia bán hàng lưu động phải lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng và có quy cách đóng gói nhiều mức khác nhau, giá cả cũng phải vừa phải, phù hợp sức mua tại đây… để ai cũng có thể tiếp cận hàng hóa đảm bảo, giá rẻ.

“Tính đến thời điểm này, hàng Tết được doanh nghiệp chuẩn bị tăng nguồn cung gấp 2 - 3 lần so với các tháng bình thường. Thành phố sẽ tăng cường thời gian phục vụ trước, trong và sau Tết; kiểm tra thường xuyên để đảm bảo bình ổn giá cả trong 2 tháng trước và sau Tết. Ngoài việc gia tăng số lượng, các đơn vị liên quan cũng phải tăng cường giám sát chất lượng hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp Tết của người dân, để người dân ai cũng được vui xuân, đón Tết an toàn”, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Rục rịch chuẩn bị hàng Tết
Rục rịch chuẩn bị hàng Tết

Các doanh nghiệp trên cả nước đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng nhằm đảm bảo nguồn cung và giữ bình ổn thị trường dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2016. Đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, sức mua cuối năm nay sẽ khả quan hơn vì kinh tế đang tiếp tục đà tăng trưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN