Rục rịch chuẩn bị hàng Tết

Các doanh nghiệp trên cả nước đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng nhằm đảm bảo nguồn cung và giữ bình ổn thị trường dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2016. Đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, sức mua cuối năm nay sẽ khả quan hơn vì kinh tế đang tiếp tục đà tăng trưởng.

Doanh nghiệp, tiểu thương sẵn sàng

Để đảm bảo cung cấp hàng hóa dịp cuối năm, các doanh nghiệp (DN) dự kiến tăng nguồn hàng từ 10 - 30% so với Tết Ất Mùi 2015. Vì vậy thời điểm này, các DN tại TP Hồ Chí Minh đang ráo riết đẩy mạnh sản xuất để có hàng hóa dự trữ và cung ứng cho thị trường thông qua hệ thống đại lý, các kênh bán lẻ, siêu thị. Cụ thể, Công ty TNHH Ba Huân đã thực hiện kế hoạch “hai bước”: Tạo nguồn hàng lớn và đẩy mạnh kênh phân phối. Theo ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc công ty, đơn vị này đã xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao có diện tích 18 ha tại Bình Dương với tổng đàn khoảng 1 triệu con và vừa xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An với công suất từ 5 - 10 tấn thịt gà/ngày nhằm cung cấp trứng và thịt gia cầm cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. “Những sản phẩm này được kiểm dịch, đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng. Năm nay, sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Bính Thân 2016 sẽ tăng trên 30% so với năm 2015”, ông Hùng cho biết.

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng để phục vụ thị trường Tết Bính Thân 2016. Ảnh: Hoàng Tuyết

Không chỉ có Ba Huân, các DN nằm trong nhóm bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh như Vissan, Saigon Food, Co.op Mart, Satra... cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân dịp cuối năm. Chẳng hạn, Công ty Vissan đã đăng ký tham gia Chương trình hàng Bình ổn Tết Bính Thân 2016 với 3.000 tấn thịt lợn, bò; 1.500 tấn thực phẩm chế biến và có kế hoạch dự trữ thêm 20% số lượng hàng so với đăng ký với tổng trị giá 600 tỷ đồng.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: Tổng giá trị hàng hóa các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cho 2 tháng trước và sau Tết Bính Thân 2016 là hơn 16.000 tỷ đồng (tăng 462 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó tập trung vào các nhóm hàng như: Thịt gia cầm, gia súc, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm... Riêng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 10/1/2016 - 7/2/2016), các DN bình ổn đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú với tổng giá trị trên 9.000 tỷ đồng.

Cách làm của TP Hồ Chí Minh năm nay có điểm mới là phân chia cơ cấu nguồn hàng theo 3 nguồn: Nguồn của DN tham gia Chương trình Bình ổn giá (chiếm 30 - 40%); nguồn từ 3 chợ đầu mối (khoảng 60% thị phần) và nguồn từ một số DN khác. Với cách phân chia cơ cấu như vậy, đại diện Sở Công Thương TP cho biết, nguồn cung của TP sẽ đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Trong khi đó tại Hà Nội, tiểu thương các chợ lớn cũng đã có kế hoạch tích trữ hàng hóa của riêng mình. Bà Nguyễn Thị Dung, tiểu thương bán quần áo tại chợ Đồng Xuân cho biết, từ đầu tháng 12 đã nhập thêm nhiều lô thời trang mùa đông chuẩn bị bán dịp cuối năm để phục vụ các mỗi buôn từ các tỉnh về lấy hàng.

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng lượng hàng hóa các DN dự trữ theo Chương trình Bình ổn giá đạt 2.566 tỷ đồng. Tất cả các mặt hàng: Bánh kẹo, đường, rượu, bia, nước giải khát... đã được thành phố chuẩn bị. Dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Bính Thân 2016 tại Hà Nội đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.

Giữ giá, kiểm soát thị trường

Lý giải về nguồn cung hàng hóa chuẩn bị cho những tháng cuối năm tăng cao, bà Lê Ngọc Đào cho biết, năm 2015 tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng GDP cao hơn năm trước, đặc biệt giá xăng dầu giảm là yếu tố cơ bản giúp giảm giá đầu vào, hỗ trợ DN giảm giá, kích thích tiêu dùng. Theo đó, giá hàng hóa phục vụ thị trường Tết Bính Thân sẽ được giữ ổn định.

Không những thế, DN bình ổn thị trường cùng hệ thống phân phối đã có kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu vào các ngày cận Tết. Chẳng hạn, giá trứng gia cầm có thể giảm 1.000 - 2.000 đồng/chục vào 2 ngày trước Tết, thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận Tết, thịt gia súc giảm 5 - 10% một thàng trước Tết.

Bên cạnh việc kiềm chế giá, các DN còn đăng ký 1.500 lượt khuyến mại trong những tháng cận Tết với giá trị khuyến mãi lên đến 800 tỷ đồng. Riêng các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, BigC... sẽ tổ chức nhiều chương trình giảm giá từ 5 - 49% cho hàng nghìn mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh dự kiến sức mua thị trường năm nay sẽ tăng khoảng 15% so với Tết năm ngoái. Trong đó, giá cả sẽ ổn định tại hệ thống phân phối hiện đại và có khả năng tăng nhẹ vào cao điểm Tết tại các kênh phân phối truyền thống. Để kiểm soát giá cả thị trường dịp cuối năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục trên các địa bàn trọng điểm để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng gian, hàng giả... Các quận, huyện cũng phải nắm chắc diễn biến thị trường, phối hợp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để xảy ra tăng giá đột biến trên địa bàn.

Còn TP Hà Nội đang xây dựng chuỗi bán hàng thực phẩm an toàn. Sở Công Thương Hà Nội mong muốn các địa phương giới thiệu các DN có sản phẩm tốt, an toàn để thành phố kết nối và đưa vào chuỗi, phục vụ nhu cầu hàng hóa Tết.

Tại buổi giao ban trực tuyến công tác 11 tháng năm 2015 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng đã đề nghị các Sở Công Thương, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường thực hiện các giải pháp nhằm ổn định thị trường; kiểm tra, kiểm soát thị trường để người dân đón Tết lành mạnh, an toàn.
Hoàng Tuyết - Hoàng Dương
TP Hồ Chí Minh: Nguồn hàng Tết dồi dào, giá không tăng
TP Hồ Chí Minh: Nguồn hàng Tết dồi dào, giá không tăng

Năm nay mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết được doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh chuẩn bị dồi dào vừa tăng cả sản lượng, chất lượng nhưng giá bán không tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN