Đưa đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác thành phong trào

Với mong muốn đưa hoạt động đăng ký hiến tặng mô, tạng, hiến xác sau khi chết trở thành phong trào, hoạt động thường quy như các phong trào hiến máu nhân đạo, tối 27/11, tại chùa Giác Ngộ, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Phật giáo ngày nay tổ chức Lễ phát động đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học.

Các phật tử đăng ký hiến mô, tạng cho y học. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, hiện cả nước ta có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi và hơn 300.000 người bị mù giác mạc, nhưng không được phẫu thuật cấy ghép, nguyên nhân do nguồn mô, tạng hiến tặng quá hạn chế. Và thực tế đã có những bệnh nhân đã tử vong vì không có tạng để ghép.

Ông Phúc hy vọng thông qua các buổi lễ phát động như thế này sẽ truyền đi thông điệp ý nghĩa để mọi người dân tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người phục vụ y học sau khi chết, chết não và mang lại cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh trên khắp cả nước.

Do có người nhà làm nghề y, nên chị Phạm Thị Tuyết, ngụ quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh hiểu rõ sự cần thiết của việc hiến mô, tạng, hiến xác cho y học. Chính vì vậy, chị Tuyết quyết định cùng bạn đăng ký hiến xác sau khi qua đời. Chị tâm niệm “nếu sau khi mình chết đi nhưng giúp được cho một vài người khỏe mạnh thì cũng cảm thấy cái chết của mình có ý nghĩa hơn”.

Còn chị Phạm Thị Thanh Thủy, ngụ quận Bình Thạnh thì biết đến các chương trình hiến tạng, hiến xác đã lâu nhưng đến hôm nay chị mới vận động được chồng và 2 con đến tham gia hiến xác sau khi qua đời. “Tôi mang 2 con tôi tới đây để các con thấy rằng, y học đang rất cần những hành động hiến tạng, hiến xác của chúng tôi. Tôi vui nhất là các con tôi hiểu và cũng có tâm nguyện sẽ đăng ký hiến xác cho khoa học”, chị Thủy chia sẻ.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Chủ tịch Quỹ Phật giáo ngày nay, cho biết sau hơn 1 tháng phát động đã có 350 tăng ni, phật tử và người dân đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học sau khi qua đời.

Buổi Lễ đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Chùa Giác Ngộ là chương trình tuyên truyền, vận động và tiếp nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng đầu tiên được tổ chức với hình thức sinh hoạt Phật giáo cho các tầng lớp nhân dân, tăng ni, phật tử. Buổi Lễ vừa là nơi giao lưu, chia sẻ của những tấm lòng vàng đã hiến máu, đăng ký hiến xác, giác mạc sau khi chết, vừa là nơi các tầng lớp nhân dân, tăng ni, phật tử giãi bày những thắc mắc của mình xung quanh vấn đề hiến tặng mô, tạng cho y học và được các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành trả lời, giải thích cặn kẽ.

Đinh Hằng (TTXVN)
Vẫn còn nhiều trở ngại về nguồn hiến tạng
Vẫn còn nhiều trở ngại về nguồn hiến tạng

Ghép tạng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Những kỹ thuật mới được thực hiện như: Ghép tạng từ người cho chết não và tim ngừng đập hay ghép tim, tụy, đa tạng... đã cứu sống nhiều người bệnh. Song do đội ngũ y bác sĩ làm công việc này chưa chuyên sâu, cộng thêm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn yếu, đã khiến nguồn cung (hiến tặng) chưa nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN