Gánh nặng hai vai
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ 4 DN đang hoạt động thì có 1 DN do doanh nhân nữ làm chủ. Hằng năm, các DN này đóng góp khoảng 30% GDP cho đất nước. Hiện cả nước có khoảng hơn 500.000 DN hoạt động, trong đó có khoảng hơn 100.000 DN do phụ nữ làm chủ và trực tiếp điều hành có quy mô vừa và nhỏ, gắn với các lĩnh vực sản xuất như thương mại, nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ y tế, giáo dục, thiết bị văn phòng, dệt may, da giày,…
Tuy nhiên, tâm sự chung của rất nhiều chị em phụ nữ đang làm chủ DN để có thể thành công, họ phải cố gắng gấp hai đến ba lần đồng nghiệp nam. Bởi dù nắm giữ vai trò gì trong xã hội, từ nhà lãnh đạo cấp cao tới chủ DN nhỏ và vừa, những người phụ nữ vẫn phải làm trọn thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm con trong gia đình.
Doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, da giày... có nhiều lao động nữ. Ảnh: Hải Âu-TTXVN |
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh chia sẻ, là lớp doanh nhân đầu tiên từ Nhà nước đi ra ở cuối thập kỷ 80, những nữ doanh nhân như bà phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình và xã hội. “Đó quả thực là thời kỳ rất khó khăn. Thời gian luôn phải chia sát sao, một phần cho gia đình, con cái và một phần cho công việc. Bên cạnh đó, chúng tôi không nhận được nhiều sự tin tưởng từ phía đối tác vì họ nghĩ rằng phụ nữ không đủ năng lực hay trình độ khi điều hành DN”, bà Hà Thị Vinh cho biết.
Đồng tình với quan điểm “không có con đường thành công nào trải hoa hồng”, đặc biệt là đối với phái nữ, nhiều doanh nhân nữ cũng khẳng định, hiện nay, để tham gia lao động và phát triển kinh tế, phụ nữ đã và đang gặp không ít rào cản từ phía gia đình. Có thể không còn nặng nề như các thập kỷ trước, nhưng môi trường văn hóa và định kiến xã hội vẫn tồn tại. Chia sẻ khó khăn của bản thân mình, bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Gia Bảo cho biết, phụ nữ khi kinh doanh rất vất vả. Thời gian dành cho công việc rất eo hẹp bởi còn đảm đương chăm sóc gia đình. Đặc biệt, nhiều lúc muốn học tập trau dồi thêm kiến thức, nhưng không có thời gian.
Bên cạnh rào cản từ phía gia đình và xã hội, những DN do phụ nữ làm chủ thực sự phải đối mặt với những trở ngại đặc biệt trong tiếp cận tài chính, thông tin thị trường hay những chính sách hỗ trợ. Như trường hợp tại Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh với đặc thù 95% lao động là nữ, DN luôn tạo điều kiện về việc làm, cũng như các cơ chế hỗ trợ để lao động nữ có được thu nhập ổn định, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Giám đốc Hà Thị Vinh giải thích, tuyển dụng lao động nữ thì chủ DN phải triển khai các cơ chế hỗ trợ như nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ, thậm chí còn phải bố trí thời gian cho lao động nghỉ ngơi, hỗ trợ nhà trẻ... Điều này dẫn đến tăng chi phí đầu vào và từ đó giá thành sản phẩm sẽ nâng theo, khó cạnh tranh với các sản phẩm khác. “Rà soát hệ thống pháp luật từ Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Đấu thầu đến Luật Thuế thu nhập DN đều thấy bóng dáng các quy định liên quan đến DN sử dụng lao động nữ nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thực thi. Chính vì vậy, phần lớn các DN như Gốm sứ Quang Vinh đều không biết đến những quy định này, hoặc có biết thì cũng không rõ làm thế nào để tiếp cận và được nhận hỗ trợ”, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh nhấn mạnh.
Cần cơ chế đặc thù
Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận, khuyến khích vai trò của phụ nữ thông qua các chính sách hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ và DN sử dụng nhiều lao động nữ. Luật Bình đẳng giới yêu cầu lồng ghép các nội dung bình đẳng giới vào các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ luật Lao động năm 1994, với các lần sửa đổi sau này cùng các văn bản dưới luật, các luật liên quan cũng đã đưa ra những ưu đãi, khuyến khích cho DN sử dụng nhiều lao động nữ. Đặc biệt, Nghị định 56/2009/NĐ-CP quy định rõ: “ưu tiên chương trình trợ giúp các DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và DN nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ”.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, các chính sách này chủ yếu hỗ trợ phụ nữ dưới góc độ là người lao động còn chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ đặc thù dường như còn đang thiếu. Do đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, Nhà nước nên có những chính sách và chương trình cho các doanh nhân nữ nâng cao năng lực, phải có những hoạt động kết nối hơn nữa giữa các tổ chức đào tạo nghề và DN để cung ứng nguồn nhân lực một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam cũng khẳng định, việc đưa các nội dung hỗ trợ DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ vào dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa là cần thiết. “Đó là bởi những đóng góp thực tế và tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này. Bên cạnh đó còn do các rào cản do đặc thù giới tính trên thực tế vẫn còn tồn tại”, bà Minh phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, lâu nay, khu vực DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ còn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do quy mô cũng như đặc thù giới tính. Việc đưa các nội dung về DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ cũng như cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TS Lê Quang Cảnh, chuyên gia tư vấn luật kiến nghị, cần quy định DN do phụ nữ làm chủ là đối tượng được hưởng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó cần có các chính sách hỗ trợ về việc cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn lực, bồi dưỡng doanh nhân nữ... Và quan trọng nhất, khi đã có Luật thì cần phải có văn bản hướng dẫn thực thi cụ thể đi kèm để những chính sách này thật sự đến với DN.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tạo điều kiện để doanh nhân nữ vay vốn ưu đãi Vướng mắc hiện nay là Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa nhưng chưa định hình được DN này là do phụ nữ làm chủ được ưu tiên như thế nào. Vì thế, để tạo cơ hội cho DN do phụ nữ làm chủ có cơ hội kinh doanh, sản xuất cần hình thành, phát triển nguồn quỹ, được cân đối trong ngân sách Nhà nước. Nguồn này được vận hành tập trung vào đào tạo huấn luyện, hỗ trợ kỹ năng cho nữ làm chủ DN. Bên cạnh đó, nguồn quỹ này hỗ trợ ưu tiên để phụ nữ vay vốn ưu đãi với thủ tục đơn giản, thuận lợi. Ngoài ra, cần có nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ tiếp cận thông tin thị trường, quảng bá thương mại và hình ảnh của DN. Đó là những nội dung nên quy định cụ thể trong dự thảo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Nếu Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa ra đời đáp ứng yêu cầu như vậy thì 25% DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ có cơ hội phát triển và phấn đấu đến 2020 cả nước có 1 triệu DN sẽ là mốc không xa. Bà Hoàng Anh Thơ, Ban Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Giám sát thực hiện bình đẳng giới trong luật Theo Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là thành viên và Luật Bình đẳng giới, DN nhiều lao động nữ được hưởng ưu đãi về thuế, tài chính. Tuy nhiên đến nay, việc tiếp cận vốn của DN nữ rất khó khăn. Vì thế, tôi đề xuất bổ sung quy định cụ thể hỗ trợ DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và DN nhỏ và vừa có đông lao động nữ trong việc tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, luật cần có thêm quy định giám sát việc thực hiện bình đẳng giới trong hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ. Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi đang đề xuất đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2027". Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và lồng ghép nội dung của Đề án này với một số chương trình, đề án khởi nghiệp đang được triển khai, hoàn thiện Đề án, trình duyệt theo quy định. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc công ty TNHH Benew, chuyên may đồng phục xuất khẩu: Thêm kênh thông tin mở rộng thị trường So với nam giới thì DN do nữ làm chủ có nhiều khó khăn hơn. Trong đó khó khăn nhất là trình độ của lao động, tìm kiếm khách hàng và quản trị bằng công nghệ hiện đại. Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ nhưng đến nay DN của tôi vẫn không nhận được bất cứ chính sách hỗ trợ, ưu tiên nào. Thời gian tới, tôi mong muốn được hỗ trợ chính sách hỗ trợ cho DN có nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ, thêm nhiều kênh thông tin để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thuộc khối ASEAN và châu Âu. |