Theo đó, mưa lớn kèm theo dông, lốc đã làm sập 8 căn nhà, tốc mái 22 nhà dân ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Châu Thành, An Minh, Kiên Hải và thành phố Rạch Giá, ước giá trị thiệt hại về vật chất ban đầu khoảng 840 triệu đồng. Mặt khác, dông, lốc còn làm đổ ngã 35 cây xanh trên địa bàn thành phố Rạch Giá, gãy 1 trụ điện trên địa bàn huyện Giồng Riềng, ước giá trị thiệt hại về vật chất hơn 200 triệu đồng.
Trước đó, do thời tiết xấu, diễn biến phức tạp, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang đã tạm ngừng hoạt động tất cả các tàu thuyền vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh từ đất liền ra các đảo và ngược lại kể từ 6 giờ ngày 16/7/2023 để đảm bảo an toàn cho hành khách. Do đó, nhiều du khách hiện đang bị kẹt lại trên các đảo chưa thể vào đất liền được.
Ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, Chi cục chủ động mở các cống trên địa bàn tỉnh để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với các huyện thành phố bị ảnh hưởng thiên tai tổ chức thăm hỏi, huy động các lực lượng tại chỗ giúp những hộ dân bị thiệt hại dọn dẹp nhà đổ sập, bố trí nơi ở tạm, ứng trước ngân sách địa phương để hỗ trợ ngay cho các hộ dân này. Đồng thời, tổ chức xác minh, tiến hành các thủ tục trình UBND tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh cho các hộ dân bị thiệt hại, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Trước tình hình thời tiết phức tạp, diễn biến khó lường, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng, chống thiên tai, chủ động thực hiện các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là huy động lực lượng đội xung kích, sẵn sàng hỗ trợ, giúp dân trong mọi tình huống. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức, chủ động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do mưa bão, dông, lốc.