Theo đó, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Đặc biệt, các huyện ven biển cần quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, khu neo đậu; thông tin, cảnh báo và có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại khu vực vui chơi ven biển; đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản; triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, sẵn sàng tiêu thoát nước chống úng ngập, bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, các dự án đang thi công ven biển; bảo vệ đê điều nhất là các khu vực bị sạt lở sau đợt lũ vừa qua và các công trình đang thi công.
Các ngành chủ động triển khai các phương án phòng, chống ảnh hưởng bão theo quy định; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tùy theo tình hình diễn biến của bão, chủ động phối hợp với các huyện, thành phố Nam Định triển khai chỉ đạo chống bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, tỉnh dự kiến cấm biển từ 12 giờ ngày 17/7 đến khi có tin bão cuối cùng. Tỉnh kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 18 giờ ngày 17/7; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 12 giờ ngày 17/7; dự kiến sẽ sơ tán tán toàn bộ 1.228 lao động ngoài các lều chòi nuôi trồng thủy sản, lao động trên các lồng bè vào trong đê, tổ chức sơ tán dân theo các phương án đã xây dựng đối với các tình huống thiên tai trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cùng các địa phương tiếp tục công tác kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra toàn tuyến đê điều trên địa bàn (đặc biệt đối với các tuyến đê biển), có phương án xử lý giờ đầu đối với những điểm xung yếu, nhất là ở những vị trí đã bị sạt lở; rà soát thống kê số lượng nhà yếu, nhà tạm kèm theo số nhân khẩu trên địa bàn dự kiến phải sơ tán, đồng thời có phương án sơ tán cụ thể khi có lệnh; kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu đảm bảo như phương án đã được phê duyệt; khoanh vùng, vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu thoát nước chống ngập úng do mưa lớn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, hiện toàn tỉnh có 14.700 ha nuôi trồng thủy, hải sản; có trên 1.000 lều, chòi với gần 1.300 lao động tại vùng đầm bãi nuôi trông thủy sản ngoài đê. Đến nay đã có 213 lồng bè nuôi trồng thủy sản của 20 cơ sở nhận được thông tin về bão số 1. Các lực lượng chức năng đã liên lạc được với tất cả các tàu thuyền của tỉnh là 1.776 phương tiện với 5.344 lao động; hiện có 1.478 phương tiện với 4.454 lao động đang neo đậu tại bến, chỉ còn 298 tàu với 890 lao động đang hoạt động trên biển.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 27 trọng điểm xung yếu, trong đó 21 trọng điểm trên đê sông, 6 trọng điểm trên tuyến đê biển; các trọng điểm đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Các cấp, các ngành quyết liệt chỉ đạo tổ chức tiêu rút nước đệm theo đúng quy trình vận hành; khi xảy ra ngập úng tập trung mở các cống tiêu vùng triều, vùng phía Bắc tỉnh vận hành các trạm bơm điện lớn; khoanh vùng, sử dụng bơm dã chiến để bảo vệ diện tích lúa mới cấy và rau màu; cử lực lượng ứng trực tại các nơi úng ngập, tổ chức hướng dẫn giao thông và thu dọn vệ sinh cho tới khi nước rút hết.