Đổi mới phương thức tuyên truyền về lịch sử, văn hóa địa phương

Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã đổi mới tuyên truyền, góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chú thích ảnh
Tuổi trẻ Quảng Ngãi quét QR- code để tìm hiểu thông tin về di tích lịch sử. 

Đoàn viên, thanh thiếu niên là lực lượng trẻ, năng động, sáng tạo... nên không thể vận dụng hình thức tuyên truyền, giáo dục theo lối mòn mà phải luôn đổi mới nội dung, hình thức để tạo sự phong phú, đa dạng và sức hấp dẫn cao. Từ thực tế này, Huyện Đoàn Bình Sơn đã phát động Đoàn Thanh niên các xã làm video clip giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương mình. Các video clip do đoàn viên, thanh thiếu niên tự thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa địa phương.

Em Nguyễn Văn Đạt, học sinh lớp 12 Trường Trung học Phổ thông Bình Sơn cho biết: Em đã được nghe về một số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện nhưng chưa có dịp tới nơi. Thấy các anh chị, các bạn giới thiệu đoạn video clip, ban đầu, em chỉ bấm vào xem thử. Càng xem, em càng bị cuốn hút. Với những người trẻ, việc học lịch sử qua sách vở là chưa đủ. Chúng em cần những video, hình ảnh, bản đồ… để dễ nhớ, dễ hình dung và bao quát sự kiện.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Bình Sơn Nguyễn Thị Hồng Sen, Ban Thường vụ Huyện Đoàn xác định, việc phát huy các ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa là hướng đi mới. “Đoàn Thanh niên các xã nơi có các di tích lịch sử, văn hóa tự chủ hoàn toàn về nội dung, hình thức thực hiện. Tuy gặp khó khăn, hạn chế về các trang thiết bị như máy quay, máy ảnh, nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng các video clip được thực hiện rất độc đáo, hấp dẫn. Trong thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp tuyên truyền để thu hút nhiều hơn sự theo dõi, quan tâm của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ”, Bí thư Huyện Đoàn cho biết.

Thực hiện chủ đề năm 2023 “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, tuổi trẻ Quảng Ngãi đã xây dựng Công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử, văn hóa”, đặt QR-code tích hợp thông tin tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Những thông tin về di tích lịch sử được đoàn viên, thanh niên địa phương tìm tòi, thu thập kỹ càng, chính xác và tích hợp vào mã QR. Việc số hóa vừa tạo sự tiện lợi, bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, dễ dàng, vừa giúp quảng bá giá trị văn hóa lịch sử ở địa phương.

Chú thích ảnh
Thế hệ trẻ rất hòa hứng với các video clip về các di tích lịch sử, văn hóa địa phương. 

Anh Đặng Tấn Tài, Bí thư Đoàn xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi cho hay: Với mã QR, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương không chỉ được những người con quê hương nơi đây biết đến mà những người ở nơi khác cũng có thể tìm hiểu được lịch sử của quê hương chúng tôi. Du khách có nhu cầu đi du lịch tại đây có thể tìm hiểu trước để đưa ra lựa chọn phù hợp cho điểm đến của mình.

Đến nay, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã thực hiện số hóa được 13 di tích lịch sử, địa chỉ đỏ. Quảng Ngãi là một trong 5 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện tốt việc số hóa các điểm di tích. Những thông tin về di tích lịch sử, văn hóa tại địa bàn đã được đăng tải lên bản đồ số các địa danh lịch sử gắn với tuổi trẻ của Trung ương Đoàn.

Anh Trần Đăng Minh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cho biết: Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương sẽ góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, là cội nguồn, sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Các video clip, mã QR phát huy hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Với những hình thức này, các bạn trẻ có thể sử dụng điện thoại ở bất kỳ đâu để tìm hiểu các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, cội nguồn hình thành di tích. Việc làm này góp phần đăng tải những điểm, địa chỉ đỏ của Quảng Ngãi lên bản đồ số hóa của cả nước.

“Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi tiếp tục khuyến khích các cấp bộ Đoàn đổi mới hình thức tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương bằng cách thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, mít tinh, thi tìm hiểu về lịch sử Đảng, Đoàn, địa phương... Các nội dung, hình thức được thay đổi, vận dụng linh hoạt để tránh sự đơn điệu, nhàm chán”, anh Trần Đăng Minh cho biết thêm.

Tin, ảnh: Đinh Hương (TTXVN)
Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương - Bài cuối: Bám sát chiến lược quy hoạch ngành
Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương - Bài cuối: Bám sát chiến lược quy hoạch ngành

Chính quyền và ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định du lịch là ngành kinh tế đa ngành, không phân định "ranh giới hành chính", cộng với xu hướng hội nhập... đang tạo ra những cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức cạnh tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN