Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới 10%. Nguyên nhân là do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để.
Trước thực trạng về môi trường ở nước ta, trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều chủ trương, chính sách với định hướng “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Phát triển kinh tế xanh, bền vững thông qua việc giảm rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn được xem là lợi ích kép cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều hơn, có nhiều hành động thiết thực hơn. Muốn thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới, bên cạnh chất lượng sản phẩm thì tiêu chí về môi trường được xem là giấy thông hành, nhất là các thị trường có yêu cầu cao.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có tác động rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trọng tâm của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi là gắn trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm đến giai đoạn bán sản phẩm cho người tiêu dùng mà còn chịu trách nhiệm đến giai đoạn xử lý vật liệu được thải bỏ và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.
Do vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức rõ để kịp thời có những điều chỉnh tuân thủ Luật bảo vệ môi trường sửa đổi để kinh doanh một cách bài bản, thân thiện với môi trường. Đây là một bài toán để doanh nghiệp lựa chọn công nghệ và hướng đi cho sản phẩm hàng hóa của mình.
Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn là thay vì kinh tế theo đường thẳng từ khai thác, chế tạo, tiêu dùng và thải bỏ sang khai thác, chế biến, sử dụng, tái chế, tái sử dụng…. Ở cấp độ quốc gia, kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy sử dụng, khai thác tài nguyên hiệu quả hơn, đồng thời ở góc độ đầu ra giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường.
Đến nay, cộng đồng doanh nghiệp đã bước đầu tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để triển khai kinh tế tuần hoàn thì còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung ban hành Bộ tiêu chí để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, sẽ xây dựng được Bộ sổ tay hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, trường học, khu đô thị… thực hiện các hoạt động của kinh tế tuần hoàn cũng như hoàn thiện khung chính sách, lộ trình ngành ưu tiên thực hiện.