Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Từ trước tới nay, các nhà sử học kết luận Đoan Môn thuộc thời Lê Sơ. Điều rất mới trong lần khai quật này là đủ cơ sở kết luận Đoan Môn không phải thời Lê Sơ mà Đoan Môn ở vị trí của thời Lê Trung Hưng.
Các nhà nghiên cứu và đại biểu thăm hiện tường khai quật khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN |
Đồng thời, Giáo sư cũng khẳng định Đoan Môn thời Lê Sơ chắc chắn cũng gần khu vực này. Phát hiện trên là điểm rất mới và có thể cho chúng ta hình dung được quy hoạch của Cấm thành thời Lê, từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng có sự thay đổi. Qua đợt khảo cổ năm 2016, tầng văn hóa thời Lê phát hiện khá rõ nét, hai địa tầng thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng tách ra rõ ràng. Đồng thời, không gian điện Kính Thiên ngày càng hiện lên rõ nét trong nhận thức của các nhà sử học.
Năm nay, các nhà sử học tiếp tục khẳng định tầng văn hóa của khu Đoan Môn – điện Kính Thiên kéo dài liên tục từ Đại La qua thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn và phong phú hơn so với khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu Vườn Hồng. Nếu bên khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, tầng văn hóa hiện rõ nhất là Đại La, Lý, Trần, còn thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng mờ nhạt thì ở khu vực chính điện Kính Thiên các địa tầng văn hóa xuất hiện liên tục từ đầu đến cuối. Đặc biệt, địa tầng văn hóa Đại La xuất hiện rõ nét qua đợt khai quật lần này. Cùng với dấu tích của các đợt khai quật trước, các khoa học bước đầu đã hình dung được phạm vi thành Đại La. Một mặt, dấu tích của đường nước lớn trong các lần khai quật năm trước và dấu tích các móng trụ bằng sành, sỏi thời Lý xuất hiện trong lần khai quật năm nay. Dù chưa thể khẳng định đây là trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lý một cách chắc chắn nhưng có thể khẳng định là bộ phận quan trọng trong Cấm thành Thăng Long.
Như vậy, kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên năm 2016, các nhà khảo cổ học khẳng định đã làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng và Lê Sơ, tiếp tục làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long thời Lý.
Khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên năm 2016 tiếp tục xác định tầng văn hoá có niên đại kéo dài từ khoảng thế kỷ VIII – IX đến thế kỷ XIX – XX; tiếp tục xác định được các dấu tích ở Trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại... Mặc dù hố đào còn rất nhỏ, các di tích thường chồng xếp, cắt phá rất phức tạp nhưng trong nghiên cứu tổng thể vẫn góp phần nhận diện rõ thêm một bước kiến trúc tổng thể của khu vực Trung tâm qua các thời trên những nét lớn như sau:
Các phát hiện mới đó vừa khẳng định các kết luận sơ bộ của những năm trước, vừa gợi mở thêm các nghiên cứu trong thời gian sắp tới. Qua đó có thể thấy, dấu tích Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm nhưng vẫn còn nguyên các bí ẩn ở dưới lòng đất đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu kiên trí, tổng thể và lâu dài.
Mục tiêu chung qua các đợt khai quật tại khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nâng cao nhận thức về Cấm thành qua các thời kỳ theo khuyến nghị của UNESCO, tạo cơ sở để phục dựng không gian điện Kính Thiên.