Theo đó, việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc về thể chất, tinh thần nhằm làm giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác này, TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết về điều trị F0 tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
Bài 1: “Chia lửa” khi tuyến đầu quá tải
Với số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao mỗi ngày, các bệnh viện quá tải bệnh nhân, từ ngày 28/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cách ly tại nhà đối với những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nhằm tăng cường công tác hỗ trợ cho những F0 tự cách ly tại nhà trong các tình huống khẩn cấp, các quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập hơn 300 tổ phản ứng nhanh tại các phường, xã, thị trấn.
Người bệnh yên tâm
Thời điểm bắt đầu thực hiện công tác cách ly cho F0 tại nhà, số trường hợp F0 ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh là 40.576 người, trong đó có 20.208 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 20.368 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Theo đó, Thành phố đã tổ chức các Trạm Y tế lưu động kết hợp với đội phản ứng nhanh của địa phương để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị tại nhà. Đây đều là những cơ sở y tế được trang bị thuốc, thiết bị y tế cơ bản; cung cấp các túi thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh cho F0 điều trị tại nhà.
Ngày 14/7, hộ gia đình đầu tiên tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè được cách ly tại nhà. Đây là một căn nhà 4 tầng khang trang của một gia đình có 5 người sinh sống gồm bố mẹ già, hai vợ chồng và 1 người làm. Trước đó, người vợ trong gia đình này được xác định mắc COVID-19 và đưa đi bệnh viện dã chiến điều trị, những người còn lại trong gia đình đều trở thành F1. Sau khi thẩm định căn nhà, lực lượng y tế huyện Nhà Bè xác nhận ngôi nhà đủ điều kiện cách ly y tế gồm 4 phòng ngủ đều có nhà vệ sinh, sinh hoạt riêng biệt nên các F1 được cách ly tại nhà.
Để đảm bảo an toàn, nhân viên y tế hướng dẫn từng người cách thức nhận thức ăn, phân loại rác thải sinh hoạt và nguy hại để xử lý, tránh lây nhiễm chéo nếu có trường hợp F1 chuyển thành F0. Mỗi ngày hai lần, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng của xã Long Thới cung cấp đồ dùng theo yêu cầu, giám sát bằng cách gọi video cho từng người.
Tương tự, tại hẻm 672 Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Phú, Quận 7), nơi đang có nhiều F0 cách ly tại nhà - tổ y tế cộng đồng gồm bác sỹ, dược sỹ, lực lượng chức năng của phường Tân Phú mời từng người ra trước cửa nhà để bác sỹ khám bệnh, tư vấn sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Được thăm khám, hướng dẫn nhiệt tình, người dân tại đây nhanh chóng ổn định tâm lý, yên tâm hơn trong việc tự cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Văn Khôi (cư ngụ tại hẻm 672 Huỳnh Tấn Phát), cho biết, ông bị rối loạn tiền đình, huyết áp cao, trở thành F0 và đang cách ly tại nhà, ông lo lắng nên phát sinh thêm các vấn đề sức khỏe. “Được bác sỹ tư vấn qua điện thoại nhưng tôi không yên tâm, thường mất ngủ vì lo. Sau khi bác sỹ tới tận nhà khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn, hướng dẫn theo dõi sức khỏe, tôi mới yên tâm ăn uống, nghỉ ngơi”, ông Khôi nói.
Từ giữa tháng 7/2021, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quận 7, các phường vận động y, bác sỹ, phòng khám tư và chủ các nhà thuốc tham gia tổ y tế cộng đồng hỗ trợ địa phương tư vấn, khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, khám, hướng dẫn các F0 cách ly tại nhà để “chia lửa” với tuyến đầu đang quá tải.
Hiện toàn bộ 10 phường của Quận 7 đều lập tổ y tế cộng đồng. Các tổ triển khai 2 hình thức hỗ trợ. Một bộ phận trực tại chỗ, tư vấn nhanh và kê đơn thuốc qua điện thoại. Trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, tổ lập tức có mặt thăm khám chuyên sâu, lấy mẫu test và báo địa phương nếu phát sinh ca nghi mắc COVID-19 có triệu chứng. Bộ phận khác đến từng hẻm, khu dân cư có ca nhiễm đang cách ly tại nhà để thăm khám, cấp thuốc, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe. Đối với trường hợp không phát sinh các vấn đề sức khỏe phải can thiệp khẩn cấp, các tổ sẽ chủ động thăm khám theo hình thức cuốn chiếu.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), chăm sóc F0 ngay từ ban đầu là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết để có thể giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tỷ lệ tử vong. Do đó, ngành Y tế thành phố cần quản lý chặt chẽ F0 mới phát hiện, chính quyền và y tế địa phương phải quản lý được tất cả F0 trên địa bàn, tiếp cận người bệnh trong vòng 24 giờ để đánh giá tình hình.
Qua đó, có hướng dẫn phù hợp và cấp phát thuốc kịp thời. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các đơn vị liên quan sẽ đánh giá mức độ, điều kiện chăm sóc, đưa ra phương án theo dõi F0 tại nhà hay bệnh viện. Khi quản lý F0 tại nhà, đảm bảo kết nối thông tin xuyên suốt, các đường dây nóng của tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động ở các địa phương phải hoạt động. Đồng thời, F0 cũng như gia đình phải nắm thông tin liên hệ của y tế địa phương để có sự can thiệp kịp thời.
Nhiều giải pháp y tế hỗ trợ
Tiếp nối các hoạt động của tổ phòng, chống COVID cộng đồng và trạm y tế lưu động, hơn 200 tổ y tế lưu động cũng đang phát huy hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cứ khoảng 8 giờ mỗi ngày, tổ trưởng và các thành viên tổ y tế lưu động tại phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức) sẽ họp nhóm trực tiếp hoặc trực tuyến để rà soát danh sách F0 đang điều trị tại nhà và tiếp nhận thêm thông tin F0 mới. Cũng tại cuộc họp này sẽ phân công người cung cấp gói an sinh, túi thuốc điều trị F0 tại nhà, theo dõi sức khỏe, chăm sóc người bệnh nhằm hạn chế số ca chuyển nặng.
Bà Lê Khánh Linh, thành viên tổ y tế lưu động tại phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức cho biết, khi có F0 mới, một bạn sẽ nhận thông tin đó qua số đường dây nóng của khu phố, còn một nhóm khác sẽ làm những việc như test nhanh, kiểm tra rồi tư vấn phát thuốc, hướng dẫn bệnh nhân về cách sử dụng. Những trường hợp khó như bệnh nền hay biểu hiện nặng sẽ liên hệ với trạm y tế phường để có bác sỹ xuống hỗ trợ.
Theo bác sỹ Phạm Huy Hoàng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trường Thọ, việc nắm bắt đặc điểm, tình hình cụ thể tại khu phố sẽ giúp công tác tiếp cận, chữa trị cho người mắc COVID-19 tại địa phương thuận lợi hơn. Bên cạnh việc thăm khám trực tiếp, các thành viên của trạm y tế và tổ y tế lưu động khu phố còn tư vấn qua điện thoại cá nhân với người bệnh. Tại đây, nhân sự là những người tình nguyện đóng góp sức lực, thời gian, tham gia cùng với nhân viên y tế được phân công về tổ y tế lưu động chăm sóc F0.
Bên cạnh việc chăm sóc y tế, việc chăm lo an sinh là nhiệm vụ quan trọng thứ hai của tổ y tế lưu động này. Thời gian qua, các tổ y tế lưu động này đã vận động hàng trăm phần quà thực phẩm, nhu yếu phẩm của chính quyền các cấp, của Ban Điều hành khu phố vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho các F0 điều trị tại nhà.
Theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thành phố đã và đang nỗ lực để từng bước đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, đồng thời xây dựng các kênh kết nối để những F0 không triệu chứng yên tâm cách ly tại nhà và được kịp thời đưa tới các cơ sở y tế khi chuyển nặng. Theo đó, ngành y tế cần tăng cường công tác điều trị tích cực các ca F0 bệnh nặng, có triệu chứng. Công tác quản lý F0 tại nhà phải đồng bộ, thống nhất, liên thông từ khâu phối hợp, đến quy trình điều trị, bảo đảm thông tin kết nối, liên lạc kịp thời với các lực lượng phản ứng nhanh, bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca F0 khi có triệu chứng, trở nặng; tránh tình trạng xử lý chậm các trường hợp được phát hiện, cần chăm sóc kịp thời, nhằm giảm số ca tử vong trong điều trị COVID-19.
Qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia ngành y tế cùng với tham khảo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã đưa các thuốc chống đông và kháng viêm dạng uống vào các gói thuốc điều trị tại nhà cho người mắc COVID-19, nhằm hạn chế tỷ lệ người bệnh chuyển nặng. Đồng thời, Sở Y tế cũng đảm bảo 100% F0 tại nhà được chăm sóc và quản lý tại các tuyến y tế cơ sở và được cấp phát đầy đủ tủi thuốc (túi thuốc A, B hoặc túi thuốc C).
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác tư vấn và hướng dẫn cách tự chăm sóc tại nhà từ xa (telehealth), Hội Y học Thành phố, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng các tổ chức xã hội khác đã chủ động triển khai nhiều mô hình tự vấn từ xa qua các Tổng đài 1022, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà qua các tổ y tế lưu động của các Trường Y khoa, các tổ chức thiện nguyện cung cấp túi thuốc A, B và cung cấp bình oxy tại nhà cho người dân.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 23/8 đến ngày 30/9, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị có xu hướng giảm dần mặc dù số người F0 đang cách ly tại nhà còn cao, bước đầu cho thấy chương trình cung cấp túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người F0 có hiệu quả. Có thể nói, mô hình hỗ trợ, theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với các F0 đã phát huy hiệu quả, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, giúp người bệnh sớm lấy lại tinh thần, nhanh chóng hồi phục.
Bài 2: Chia sẻ từ người trong cuộc