Điện Biên: Chủ động phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước trước mùa mưa, bão

Năm 2024 dự báo sẽ là năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ tăng trên toàn cầu. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai năm nay sẽ rất khốc liệt, phức tạp khó lường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão mà còn diễn ra quanh năm, thậm chí trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, trước mùa mưa bão năm 2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý thủy nông Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã lập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho 13 hồ chứa nước và các công trình thủy lợi trên địa bàn. 

Chú thích ảnh
Hồ Hồng Sạt, tỉnh Điện Biên có dung tích thiết kế 2,2 triệu m3 nhưng hiện nay lượng nước trong hồ chỉ đạt khoảng 1 triệu m3. Ảnh minh họa: Xuân Tư/TTXVN

Ông Vũ Xuân Viễn, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác, vận hành 13 hồ chứa nước nằm trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và huyện Tủa Chùa, với tổng dung tích ứng với mực nước dâng bình thường là trên 66 triệu m3. Nguồn nước tại các hồ chứa nói trên đã góp phần to lớn trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, nếu trên địa bàn có mưa nhiều, lũ lớn sẽ gây ra sự cố mất an toàn hồ đập, có nguy cơ cao đe doạ tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước.

Nhằm giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Công ty thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm 17 người. Đây là những cán bộ có năng lực, chuyên môn tốt, được cử túc trực 24/24 giờ tại các hồ chứa trong mùa mưa lũ; đồng thời phối hợp với các lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương để ứng cứu hồ đập, sơ tán dân trong vùng hạ du khi sự cố xảy ra. Công ty cũng đảm bảo công tác chuẩn bị đầy đủ vật tư tại các hồ chứa nước như: Đá hộc, cát, sỏi, tre cây, cọc, bao tải, rọ thép, máy điện, búa tạ và các bãi kho chứa vật tư; chuẩn bị tốt phương án và các thiết bị chủ lực với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ)… Đơn vị chú trọng có phương án cụ thể và sẵn sàng khi có sự cố xảy ra.

Tại thành phố Điện Biên Phủ hiện có ba hồ chứa nước lớn là Pá Khoang, Lọong Luông 1 và Huổi Phạ. Tại các hồ này, nếu xảy ra sự cố sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Do đó, để đảm bảo an toàn cho các hồ đập, Công ty đã có phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể cho từng hồ chứa. Cụ thể tại hồ chứa nước Pá Khoang, xã Pá Khoang, có lưu vực hơn 77km2, dung tích hồ ứng với mực nước dâng gia cường là trên 56 triệu m3; ảnh hưởng tới hạ du gồm 4 nhà máy thuỷ điện, hơn 1.723 nhà cửa và trên 2.000 ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thuỷ sản của nhân dân. Để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2024, ngoài việc thường xuyên có cán bộ túc trực tại cụm hồ, đập; tổ chức kiểm tra định kỳ, thường xuyên hồ chứa, hiện trạng an toàn đập cho công trình, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết nước, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, đơn vị còn thường xuyên nắm tình hình thời tiết để chủ động ứng cứu, bảo vệ an toàn cho công trình.

Theo ông Vũ Xuân Viễn, khó khăn nhất hiện nay là do đặc thù địa bàn miền núi, các công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị chia cắt bởi các dòng suối, nằm ở vùng sâu, vùng xa, vào mùa mưa lũ khi xảy ra sự cố rất khó khăn cho việc ứng cứu. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, trước mỗi mùa mưa bão, Công ty luôn đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát, đánh giá tính ổn định hoạt động của các công trình, nhất là các công trình đầu mối quan trọng và sửa chữa, khắc phục kịp thời những hư hỏng, biểu hiện xuống cấp ở các công trình hồ, đập. Bên cạnh đó, Công ty luôn chủ động xây dựng phương án phòng, chống lũ phù hợp với tính chất, đặc thù tự nhiên của mỗi hồ đập, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường, gây mất an toàn.

Phan Quân (TTXVN)
Đắk Nông: Hồ chứa nước Nam Xuân đảm bảo điều kiện an toàn
Đắk Nông: Hồ chứa nước Nam Xuân đảm bảo điều kiện an toàn

Đơn vị trực thuộc Trường Đại học Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Sau gần 3 năm kể từ thời điểm hoàn thành cơ bản đầu tư xây dựng, thân đập hồ chứa nước Nam Xuân (xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) chất lượng bê tông đảm bảo theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế và tổng thể đập Nam Xuân vẫn đảm bảo điều kiện an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN